Sunday, February 28, 2016

Phụ nữ Việt Nam và việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Hạ Vũ, thông tín viênRFA

 Pic
Dự án Asean work – life balance được tổ chức từ ngày 23 đến 26 tháng 2 năm 2016, tại Cybejaya, Malaysia nhằm thúc đẩy cân bằng giữa cuộc sống và công việc cho người dân trong khu vực.
Từ ngày 23 đến 26 tháng 2 năm 2016, tại Cybejaya, Malaysia đã diễn ra hội thảo khu vực Asean về việc thúc đẩy cân bằng giữa cuộc sống và công việc cho người dân trong khu vực.
Hội thảo được tổ chức bởi dự án Asean work – life balance do Ehomemaker thực hiện với sự tài trợ và bảo trợ của Asean foundation và Japan – Asean solidarity fund, nhằm thông qua kết quả thực hiện dự án trong năm qua tại các nước Asean, trong đó có Việt Nam, và kết nối mạng lưới, thúc đẩy khả năng hợp tác giữa các nước trong khu vực vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ, thông qua phương pháp cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Ở hội thảo có rất nhiều những thông tin mới mà khi ở Việt Nam thì mình sẽ khó mà tiếp cận được, hai nữa là mình cũng sẽ khó mà tiếp cận được những người mà người ta có cùng suy nghĩ, cùng ý tưởng giống như mình.

- Thái Thanh
Mỗi quốc gia, có đại diện một cơ quan cấp Bộ điều phối các hoạt động dự án như một phần nội dung hợp tác khu vực. Phái đoàn Việt Nam tham dự hội thảo gồm đại diện vụ Bình đẳng giới, Trường đào tạo – bồi dưỡng cán bộ (bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), học viện phụ nữ (hội phụ nữ) và một số doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Những người tham dự đã thu nhận được những gì từ chuỗi sự kiện và những người phụ nữ Việt Nam khác nghĩ gì về khái niệm “cân bằng” giữa cuộc sống và công việc?
Đây là đề tài cho Tạp chí phụ nữ kỳ này.
Việc phân tách giữa công việc và cuộc sống như hai phần độc lập được các nhà khoa học phân tích từ những năm 1800s, sau khi Nhà nhân chủng học Paul Krassner đưa ra định nghĩa về HẠNH PHÚC là việc rút ngắn khoảng cách giữa công việc và cuộc sống.  Sau đó, vào đầu những năm 1970s, khái niệm cân bằng giữa cuộc sống và công việc lần đầu tiên được sử dụng ở nước Anh và vào năm 1986 ở nước Mỹ.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống là bởi việc thiếu thời gian và kế hoạch quản lý các xung đột cộng với việc quá tải, căng thẳng bởi áp lực của quá nhiều vai trò mà mỗi cá nhân cần thực hiện trong cuộc sống, đặc biệt là phụ nữ. Ví dụ như vai trò làm vợ, làm mẹ, làm con dâu, làm chị em trong gia đình mình và gia đình chồng, vai trò làm nhân viên hoặc lãnh đạo tại nơi làm việc, vai trò làm bạn bè, với hàng xóm láng giềng…
Từ việc phân tích các vấn đề xung đột vai trò này, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra các tác động tiêu cực của nó tới việc đạt tới hạnh phúc của mỗi người, đặc biệt là phụ nữ và đưa ra một danh sách các khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách cũng như cho mỗi cá nhân và tổ chức xã hội hoạt động thúc đẩy quyền phụ nữ và bình đẳng giới nhằm tạo lên một làn sóng thống nhất từ việc thực hành của mỗi cá nhân đến các hoạt động nâng cao nhận thức và hệ thống chính sách phù hợp, hỗ trợ mỗi người dân đạt tới sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống – như một cách tốt nhất để có được hạnh phúc cá nhân và thịnh vượng của quốc gia.
Tại hội thảo khu vực Asean vừa qua, đại diện chính quyền Indonesia, Malaysia, Cambodia, Thái Lan, Phillipines đã đưa ra các ví dụ về việc hoạch định chính sách hỗ trợ người dân cân bằng giữa công việc và cuộc sống như cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm giúp cho việc di chuyển tới chỗ làm của người dân được nhanh chóng, thuận tiện hơn; áp dụng các chính sách chăm sóc sức khỏe miễn phí cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là bà mẹ và trẻ sơ sinh; hình thành các khu sinh hoạt cộng đồng với rất nhiều không gian thể thao và nghệ thuật giải trí miễn phí cho người dân; trồng thêm nhiều cây xanh và cải tạo các hồ nước nhằm làm sạch không khí, cải thiện sức khỏe cho người dân... Đại diện đại sứ quán Nauy và tổ chức USaid tại Malaysia cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm phát triển tại các nước này. Trong đó, đại sứ Nauy cho rằng những chính sách của Nauy đã cho phép người dân có rất nhiều ngày nghỉ trong năm, quan tâm tới mọi vấn đề trong cuộc sống nhằm đảm bảo người dân có những cơ hội tốt nhất để hưởng thụ cuộc sống. Và mặc dù có nhiều ngày nghỉ, chính sách bảo trợ xã hội như vậy, Nauy vẫn là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đại diện của Mỹ cho rằng, chính sách của Mỹ rất tệ trong việc chăm sóc người dân, nếu đem so với Nauy. Tuy nhiên, đó là bởi văn hóa tự do của nước Mỹ hoàn toàn khác. Người Mỹ không có nhiều kỳ nghỉ nhưng lại có sự tự do hoàn toàn trong công việc của họ. Họ muốn làm cái gì, ở đâu, vào lúc nào, như thế nào… là tùy thuộc khả năng và nguyện vọng của họ và chính quyền hoàn toàn tạo điều kiện cho việc này. Đại diện của chính quyền Việt Nam không có bài phát biểu trong các chuyên đề này.
000_Hkg10215603.jpg
Dường như “có cơm ăn áo mặc, gia đình được an toàn không có chiến tranh” là khái niệm HẠNH PHÚC đặc biệt riêng có ở Việt Nam. (minh họa)
Rất nhiều phụ nữ, là đại diện của các tổ chức thúc đẩy quyền phụ nữ cũng như cá nhân nhiều phụ nữ đã vượt qua bất hạnh trong cuộc sống, tìm thấy hạnh phúc từ việc tiếp cận khái niệm cân bằng cuộc sống và công việc, giải phóng bản thân khỏi những vai trò ràng buộc, cản trở mình tới hạnh phúc... đã tới, chia sẻ tại các buổi thảo luận chuyên đề về phụ nữ.
Nói về kinh nghiệm thu được từ cơ hội tham dự đại hội thảo này, Thái Thanh – một nữ doanh nhân được mời tham gia chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết:
“Ở hội thảo có rất nhiều những thông tin mới mà khi mình ở Việt Nam thì mình sẽ khó mà tiếp cận được, hai nữa là mình cũng sẽ khó mà tiếp cận được những người mà người ta có cùng suy nghĩ, cùng ý tưởng giống như mình. Và ở nước của người ta thì họ lại có những cách giải quyết mới hơn, khác hơn và mình học hỏi được những cái đó. Ngoài ra cũng có nhiều nghiên cứu từ những người làm từ các trường đại học, từ đó mình học hỏi được rất nhiều. Và cũng như trong các hội thảo, hội nghị khác thì đây chính là cơ hội để mà mình có thể networking (kết nối, xây dựng mạng lưới). Đó chính là những cái mà mình cảm thấy được ở hội thảo, còn về cái mà mình muốn đóng góp để cho nó phát triển hơn nữa tại vì mình làm về nông nghiệp và môi trường. Khi mình vào seminar, thì mình không biết những phòng khác như thế nào, nhưng ở cái phòng này thì cái đối tượng mục tiêu vào phòng thì nó không có nhiều. Quanh quẩn chỉ khoảng tầm 20 đến 30 người trở lại nên chỉ cần một buổi thì mình có thể biết hết những người đó. Cho nên mình nghĩ lần sau nên tổ chức truyền thông tốt hơn. Vì mình nghĩ có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng đang cần những thông tin như vậy mà chưa có được thông tin đầy đủ và cái cuối cùng nữa là, có thể hội thảo này chỉ là một trong những bước đầu để kêu gọi mọi người đến để chia sẻ thông tin nhưng mình mong muốn là từ hội thảo, mọi người có thể phát triển ra những bước tiếp theo nó như thế nào mà đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của những người tham gia, không phải là đến chỉ để chia sẻ.”
Thương, một đại diện thanh niên tham dự hội thảo, đặc biệt trong nhóm trao quyền cho phụ nữ, chia sẻ về các tác động mà hội thảo mang lại, trong việc định hướng công việc và cuộc sống của cô trong tương lai:
“Thật ra là chắc chắn sẽ không thay đổi vì từ trước em đã có định hướng rõ ràng mà mình đã chọn hay là nghề nghiệp của mình sẽ như thế nào rồi. Cho nên đi tham dự, cái quan trọng nhất là học được những câu chuyện từ những người ở nhiều hoàn cảnh khác nhau mà họ đã vượt qua để đạt được cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thì đến đây là học được cái nghị lực của họ và học được thêm những cái mới là như thế nào mà họ làm được điều đó thôi chứ nó không làm thay đổi định hướng công việc của mình.”
Được biết, các cô đều là đại diện “bên ngoài”, do một tổ chức khác mời tham dự hội thảo và không có liên hệ gì với đại diện bộ Lao động. Hạ Vũ có 2 câu hỏi đặt ra cho đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
Cho nên đi tham dự, cái quan trọng nhất là học được những câu chuyện từ những người ở nhiều hoàn cảnh khác nhau mà họ đã vượt qua để đạt được cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
- Thương
  1. Đứng ở vị trí đại diện chính quyền tham dự hội thảo về việc cân bằng công việc và cuộc sống, đặc biệt trong chuyên đề về phụ nữ, các chị nghĩ gì về mục tiêu xây dựng hình ảnh người phụ nữ “giỏi việc nước – đảm việc nhà” của chúng ta?
  2. Sau khi tham dự hội thảo, đại diện chính quyền các nước đều đã có cam kết tại các hội thảo bàn tròn về việc xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân cân bằng giữa công việc và cuộc sống, các chị có nghĩ rằng, bộ LĐTBXH cũng sẽ đệ trình chính phủ đưa ra những chính sách thích hợp, thúc đẩy việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đặc biệt cho phụ nữ?
Tuy nhiên, đại diện bộ LĐTBXH đã từ chối trả lời tất cả các phỏng vấn của báo chí, bao gồm báo chí nước ngoài tại hội thảo.
ILO – Tổ chức Lao động Quốc tế cũng đã tài trợ cho Bộ LĐTBXH tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đặc biệt cho phụ nữ ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, không nhiều phụ nữ Việt Nam biết đến khái niệm này.
Nói về công việc và cuộc sống của mình, cô Ngân ở Hà Nội chia sẻ:
“Bà thì nói chung kể ra nghỉ thì chả có ngày nghỉ. Lúc thích là nghỉ hoặc bận công việc thì nghỉ thôi. Làm việc vô bờ bến lắm. Kể ra ngày phải 10 tiếng cũng có. Hồi xưa cứ đi làm công nhân thì cả ngày, tới 9 – 10h mới về. Có khi chủ nhật cũng làm. Tại vì nghề bán hàng mà, làm theo ca. Hôm nào mệt thì phải giả vờ là ốm hoặc con nhỏ, bận, nhà có công có việc. Còn hôm nào có công việc phục vụ thì nói chung là phải đi làm thôi.
Khi mà có ngày nghỉ thì ở nhà trông con cái. Bây giờ bà đi bán hàng, khi nghỉ bà ở nhà dọn dẹp nhà cửa và trông cháu thế thôi. Chỉ có buổi tối là nghỉ, lúc đó xem phim hoặc là bảo cháu học bài rồi mình xem phim, xong rồi đi ngủ. Sáng ra lại tiếp tục đi làm. Thế thôi.”
Cô Ngân, cũng như rất nhiều phụ nữ ở các khu vực khác nhau, bao gồm cả cán bộ hội phụ nữ một huyện ở miền trung Việt Nam, đều trả lời Hạ Vũ rằng họ chưa bao giờ nghe tới khái niệm cân bằng cuộc sống và công việc như một cách đạt tới hạnh phúc. Đối với họ, hạnh phúc là gia đình con cái mạnh khỏe, không có chiến tranh, có cơm ăn áo mặc và công việc để làm mỗi ngày.
Trên thế giới, có rất nhiều khái niệm về hạnh phúc cũng như nhiều cách tiếp cận để giúp con người đạt tới mục tiêu lớn nhất này của cuộc sống. Tuy nhiên, dường như “có cơm ăn áo mặc, gia đình được an toàn không có chiến tranh” là khái niệm HẠNH PHÚC đặc biệt riêng có ở Việt Nam, bất chấp những “nỗ lực” hội nhập toàn cầu mà chính quyền đã thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com.

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>