![]() |
Tết Nguyên đán, thời gian sum họp gia đình (minh hoạ) |
Hạ Vũ, thông tín viên RFA
Mùng 1 Tết được xem là một ngày vô cùng trọng đại trong năm đối với người Việt. Có rất nhiều phong tục truyền thống về Tết diễn ra trong ngày này như khai bút đầu xuân, xuất hành đầu năm, xông nhà hay lì xì mừng năm mới. Các tập tục này, được hình thành từ những quan niệm truyền thống và đã được duy trì hàng ngàn năm, tạo nên một nét văn hóa vô cùng đẹp đẽ của dân tộc.
Tuy nhiên, ngày nay, mỗi khi nói đến lễ tết, bất kể những người già hay còn rất trẻ đều lắc đầu tỏ ý tiếc nuối những gì tốt đẹp của ngày xưa. Đặc biệt là những phụ nữ đã có gia đình.
Đối với họ, ngày mùng 1 Tết âm lịch có ý nghĩa gì? Vì sao?
Tết xưa
Cả một năm dài các thành viên trong gia đình thường là mỗi người một việc, ít có thời gian để ngồi quây quần bên nhau. Chính vì vậy mà dịp Tết là thời gian để mọi người cùng ôn lại chuyện xưa và cầu chúc cho nhau thêm một năm mới bình an và hạnh phúc. Và câu nói “Mùng 1 Tết Cha, mùng 2 Tết Mẹ, mùng 3 Tết Thầy” chính là lịch trình để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày Tết.
Nhà cha là nhà bên họ nội, với truyền thống coi trọng nam giới, ngày mùng một thiêng liêng nhất nên ai cũng về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng. Theo thông lệ, người con cả, người anh cả, người cháu đích tôn vào trước, sau đó đến hàng em út vào sau, lần lượt nói lời chúc tụng ông bà, cha, mẹ sức khoẻ và những điều tốt lành. Ông bà cha mẹ bên nội chúc Tết con cháu kèm theo những đồng tiền mới bọc trong phong bao lì xì gọi là cho lộc con cháu để con cháu lấy may.
Em thấy ngày mùng một là một ngày ý nghĩa của cả nước Việt Nam. Đối với cá nhân em thì em thấy ý nghĩa của ngày mùng một đó vì gần như một cái đại gia đình được sum họp bên nhau, giành cho nhau những tình cảm yêu thương và mong là mọi điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.- Mai Hoa
Phong bao lì xì thường tượng trưng cho lời cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc mà người tặng gửi tới người nhận. Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn. Màu đỏ của phong bao tượng trưng cho sự may mắn, đỏ đắn. Hình ảnh chiếc phong bao còn tượng trưng cho sự kín đáo, những bất ngờ thú vị chờ đợi phía trước.
Tục xuất hành đầu năm mang một ý nghĩa tâm linh khá lớn, thông thường người ta chú trọng nhất giờ xuất hành đầu năm là lần đầu tiên xuất hành vào ngày mùng 1 Tết, và chọn trong khung giờ hoàng đạo, chọn lựa theo tuổi của bản thân nên xuất hành theo hướng nào là tốt nhất để cả năm có thể gặp may mắn.
Xông đất mùng 1 Tết là một trong những tục lệ truyền thống của người Việt Nam. Người ta quan niệm rằng, người xông đất đầu năm sẽ mang lại may mắn hoặc rủi ro cho gia chủ. Vì vậy, thường trước Tết gia chủ sẽ xem tuổi và nhờ một ai đó hợp tuổi với mình để đến xông nhà vào sáng sớm mùng 1 Tết hy vọng họ mang lại nhiều tài lộc trong năm mới.
Để giữ gìn, không làm cho bản thân mang lại điều không tốt đẹp cho các gia đình khác, người Việt thường kiêng đến nhà người khác đầu năm cũng như cố gắng lựa chọn thành viên trong gia đình tới nhà mình vào ngày mùng một. Do đó, ngày mùng 1 Tết thường là ngày tụ họp gia đình, thường là bên nội.
Ngoài tục xuất hành, lì xì mừng tuổi và thăm viếng thân nhân, tục “Khai bút đầu xuân” không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết. Nhưng từ lâu, nó đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Trước đây thường chỉ có những ông đồ, thầy đồ, học sĩ… mới thực hiện nghi thức khai bút. Sau lễ cúng giao thừa, họ sẽ đốt lư trầm bên bàn viết và cầm cây bút thảo những câu đối hay, những chữ có ý nghĩa lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên.

Tục “Khai bút đầu xuân”, một nghi lễ trong ngày Tết xưa.
Văn nhân đem ý nguyện gửi vào nét mực, ký thác niềm mong mỏi trong những vần thơ và đặt tâm sự trong những hàng câu đối. Khai bút đại cát, Tân xuân đại cát-người xưa thường viết thế khi thảo những nét chữ đầu tiên, với ước nguyện về những điều tốt lành trong cuộc sống, đồng thời thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa, đề cao sự học.
Sinh thời, nhà thơ Tú Xương đã viết một bài thơ khai bút mà cho đến ngày nay, không ít người, đặc biệt là giới văn nghệ sỹ, trí thức vẫn khá tâm đắc. Người ta vẫn nhắc lại với nhau mỗi dịp Tết đến, xuân về như một cách để nhấn mạnh trách nhiệm của người trí thức và khắc sâu vai trò của “chữ nghĩa”, của sự học trong đời sống xã hội:
“Nhập thế cục bất khả vô văn tự
Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài
Huống thân danh đã đỗ tú tài
Ngày Tết đến cũng phải thở một hai câu đối”
Tết nay
Ngày nay, tục “khai bút đầu xuân” đã có nhiều thay đổi. Nó không còn phổ biến và mang đậm ý nghĩa khai mở một năm mới, thời khắc để mỗi cá nhân tự nhắc mình về vai trò tu thân, về trách nhiệm tạo ra những sản phẩm tích cực của người tri thức. Cũng không lặng lẽ, nghiêm minh và thanh tịnh bên lư trầm hương như trước kia mà ồn ào, nặng hình thức ở các “lễ hội” khai bút được tổ chức rầm rộ tại Văn miếu Quốc Tử Giám hay các khu tưởng niệm dũng sĩ, các di tích lịch sử và các trường học ở các địa phương khác.
Thay vì giấy hồng điều, ngày nay học trò Việt có rất nhiều hình thức khai bút đầu xuân khác nhau như: trên facebook để cầu mong may mắn sẽ đến với bản thân và gia đình. Viết status rồi tag tên người thân, bạn bè. Có bạn lại viết note dài để chia sẻ cảm xúc trước thềm năm mới. Không khí khai bút trên facebook rộn ràng không kém ngày hội khai bút đầu xuân ở các địa điểm nêu trên. Sử dụng Smart phone gửi hình ảnh, tin nhắn cho bạn bè hay liệt kê ra những dự định trong năm mới hoặc làm một bài tập để lấy “hên” với hi vọng sẽ giải quyết “đống” bài tập Tết nhanh nhất có thể... chính là những phương thức “bá đạo” được học trò Việt ngày nay yêu thích sử dụng để “khai bút đầu xuân”, thể hiện tinh thần hiếu học và sự quan tâm đến gia đình, bạn bè.
Tục xông đất, thăm thân và lì xì dịp Tết cũng có nhiều biến tướng. Cảm nhận của những phụ nữ Việt về ngày mùng một và các tập tục họ phải thực hiện như thế nào!?
Mai Hoa, một nhân viên văn phòng vừa mới tốt nghiệp chia sẻ:
Em chỉ thích mỗi ngày 30, giao thừa, thế là hết. Qua ngày đấy là thôi xong, về lại với vị trí cũ. Chẳng qua là mình có nỗ lực hơn năm ngoái hoặc có cái gì may mắn hơn năm ngoái, thêm thu nhập hoặc gia đình, con cái nó ngoan ngoãn hơn thôi, chả có gì cả.- Hạnh
“Theo em thì ngày mùng một Tết sẽ là ngày truyền thống của gia đình, cả nhà sẽ sum họp và có bữa cơm thân mật. Sau đó thì cả gia đình sẽ đi chơi, chúc tết bên nội – bên ngoại và sau đó thì được sum họp, gặp mặt tất cả các thành viên trong gia đình, họ hàng. Em thấy ngày mùng một là một ngày ý nghĩa của cả nước Việt Nam. Đối với cá nhân em thì em thấy ý nghĩa của ngày mùng một đó vì gần như một cái đại gia đình được sum họp bên nhau, giành cho nhau những tình cảm yêu thương và mong là mọi điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.”
Linh, một phụ nữ làm buôn bán nhỏ lại cho rằng:
“Nói chung là chỉ được ngày nghỉ ngơi, để gần gũi với gia đình rồi là sum họp các thứ thôi, ăn uống rồi thì là chả biết nói gì nữa. Thế thôi. Ngày mùng một Tết nói chung chỉ có thăm nom họ hàng rồi thì sum họp thế thôi, vì những ngày bình thường mình không có thời gian.”
Hạnh, một cán bộ ngân hàng chia sẻ:
“Em thì nghĩ rằng ngày mùng một Tết chủ yếu là đi thăm họ hàng với thăm bạn bè, đi chơi linh tinh. Đi chùa với cả muốn đi vãn cảnh các nơi, du lịch. Nói chung là ưu tiên gia đình trước rồi nếu có thời gian thì đi vãn cảnh. Đối với em ngày mùng một với các ngày khác cũng chẳng có gì, như mọi ngày. Chỉ có đêm 30 vì lúc ấy là mình được quây quần gia đình, họp mặt lại rồi là ăn uống thế thôi. Chứ còn lại qua năm mới là bình thường, còn lại năm mới là đã đến rồi, chả có gì mới cả. Tại vì một năm mới lại phải trải nghiệm một năm mới, như mọi năm lặp lại thôi, chả có gì mới mẻ cả. Em chỉ thích mỗi ngày 30, giao thừa, thế là hết. Qua ngày đấy là thôi xong, về lại với vị trí cũ. Chẳng qua là mình có nỗ lực hơn năm ngoái hoặc có cái gì may mắn hơn năm ngoái, thêm thu nhập hoặc gia đình, con cái nó ngoan ngoãn hơn thôi, chả có gì cả.”
“Một năm mới lại y như năm cũ, chả có gì mà chờ đón cả” chính là câu trả lời phổ biến nhất của hầu hết phụ nữ Việt. Trên thế giới, có câu nói nổi tiếng được giới trẻ truyền tay, động viên nhau chu du, khám phá thế giới và trải nghiệm nhiều công việc, nhiều nền văn hóa, nhiều loại khí hậu… để gặp gỡ nhiều con người, thay đổi cuộc sống và chia sẻ nhiều nhất có thể; rằng “đừng sống 75 năm giống nhau rồi gọi đó là một cuộc đời”, có vẻ như, câu nói sẽ là một sự xúc phạm lớn đối với hầu hết phụ nữ Việt.
Nói về sự háo hức tụ họp gia đình vào dịp Tết, chị Phong, một nữ doanh nhân ở Hà Nội chia sẻ:
“Ngày mùng một Tết bây giờ đối với tớ thì cũng là nghĩa vụ đối với gia đình thôi. Là ngày làm nghĩa vụ đối với gia đình hai bên nội ngoại. Ngày hôm đấy là ngày chạy xô, đi tất cả các nhà, gia đình họ hàng để chúc Tết. Nói chung là bây giờ thì mình thấy là hơi bị hình thức, lễ nghi. Cả năm có khi không hỏi han, quan tâm đến nhiều nhưng đại khái là đến Tết vẫn phải tay bắt mặt mừng rồi chúc tụng các thứ nọ kia, hơi hình thức”.
Không có nhiều tài liệu về Tết xưa, để có thể tìm hiểu, lắng nghe và xác nhận tâm sự của những người phụ nữ Việt xưa về Tết, để kiểm chứng các thông tin báo chí vẫn thường đăng tải rằng mỗi người phụ nữ hạnh phúc được nấu những món ngon cho chồng con và các thành viên trong gia đình chồng; được trang hoàng, làm mới nhà cửa và thăm viếng, thực hiện vai trò dâu con trong nhà...
Chỉ thấy rằng, đối với những thế hệ 6x, 7x, 8x hiện tại, cái vòng luẩn quẩn này thực sự gây chán nản cho những người làm dâu. Chỉ có các cô gái 9x, vẫn còn son rỗi là thực sự được hưởng thụ sự sung sướng trong gia đình của mình, với sự chăm sóc của ba mẹ vào những dịp lễ nghi trọng đại trong năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán.
Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com.
No comments :
Post a Comment