Sunday, December 20, 2015

Chữ “Dung” trong Tứ đức – Khổng Giáo trong đời sống phụ nữ Việt ngày nay

Pic
 Phụ nữ Việt Nam trong chiếc áo dài truyền thống (minh họa)
Hạ Vũ, thông tín viên RFA

Tuần trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu qúy đức thứ 3 – đức “Ngôn” trong Tứ đức của Khổng giáo và ảnh hưởng của nó tới đời sống hiện tại của phụ nữ Việt.

Nhìn từ vấn đề tâm lý học, việc kìm chế cảm xúc của mình, luôn luôn ép buộc bản thân phải có những thể hiện đúng mực, vừa phải mà không có các giải pháp tâm lý khác nhằm giúp giải tỏa cảm xúc, có thể khiến người phụ nữ trở nên mất thăng bằng về tâm lý và dẫn đến các vấn đề trầm cảm.

Đề tài trên trang phụ nữ kỳ này sẽ thảo luận quý đức thứ 2, chữ “Dung” và những ảnh hưởng của nó tới đời sống hiện tại của phụ nữ Việt.

Chữ “Dung”

Chữ “Dung” theo quan niệm Nho giáo được hiểu là vẻ đẹp hình thức, dáng vẻ bề ngoài, “Dung” là “Dung nhan”. Chuẩn mực về vẻ đẹp xưa với người phụ nữ là vẻ đẹp thùy mị, kín đáo và duyên dáng. Vẻ đẹp này, thể hiện qua vóc dáng, nụ cười hay trang phục. Ca dao xưa, có rất nhiều câu nói về vẻ đẹp của phụ nữ,như:

“Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu.

Hay:

“Nước trong ai chẳng rửa chân
Cái má trắng ngần ai chẳng muốn hôn”

Tuy nhiên nụ cười vẫn là vẻ đẹp quyến rũ nhất của người thiếu nữ, một nụ cười tươi gây nên bao nỗi nhớ, niềm thương:

“Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”

Tóm lại, người thiếu nữ Việt Nam xưa được kể là đẹp phải thuộc vào hạng những người có nước da trắng trẻo hồng hào, mái tóc rậm dài tha thướt, nét mặt tươi thắm hồn nhiên, dáng vóc thanh tú cân đối mềm mại. Người đẹp như thế thì đứng đâu cũng đẹp:

“Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh”

Người thiếu nữ Việt Nam xưa cũng biết cách làm tăng thêm vẻ đẹp sẵn có của mình bằng các phương pháp chăm sóc sắc đẹp:

“Tốt tóc thì cỏ mần trầu
Sạch ghét sạch gầu bồ kết với chanh”

Răng đen và ăn vận xinh xắn, đúng “mốt” cũng được coi là các tiêu chí của cái đẹp dễ “gây thương nhớ”:

“Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng”

Tuy nhiên, tất cả những chăm sóc đó chỉ dành cho thiếu nữ, đặc biệt là ở tuổi thiếu thời, nhằm mục đích thu hút sự chú ý của bạn trai, để cô gái có thể sớm được “gả chồng”. Một khi đã có chồng rồi, các cô đều phải tự “biết mình” mà lựa đường tô điểm, ăn nói và cư xử.

“Có chồng bớt áo thay vai
Bớt màu trang điểm kẻo trai nó lầm”

Ngày nay, ngoài hàm răng đen đã được thay bằng hàm răng trắng và các trang phục được tây hóa, những quan điểm về vẻ đẹp khác, đối với phụ nữ Việt không hề thay đổi, kể cả việc giảm thiểu đầu tư vào chăm sóc dung nhan sau khi đã có chồng.

Hoa, một giáo viên ở Nghệ An chia sẻ khi được hỏi về lý do vì sao chị luôn luôn trang điểm, mặc váy và đi dày cao gót:

“Đẹp cho mình, đẹp cho xã hội, đẹp cho chồng chứ. Con người ta hướng đến cái đẹp thì ai lại không muốn đẹp. Hôm nào không trang điểm hoặc không mặc đẹp đẹp một chút lại mất tự tin. Vì mình luôn muốn mình đẹp trong mắt mọi người, chẳng thà chỉ có một mình thế nào cũng được nhưng trước mắt người khác thì phải đẹp.”

Và cũng giống như tất cả những người Việt Nam khác, các chị không biết nguồn gốc vấn đề và cũng không nhìn thấy nhu cầu của cơ thể mình, mong muốn thể hiện cá tính của bản thân,... qua việc chăm sóc vẻ đẹp bề ngoài cũng như các quan điểm xã hội khác. Nguyên nhân đưa các chị tới lựa chọn trau dồi chữ Dung (cũng như Công – Ngôn – Hạnh hay mọi quan điểm khác trong đời sống, đều do “mọi người đều như vậy”, “truyền thống Việt Nam là như vậy”, “nếu không như vậy thì “người ta” nói nọ kia”,...


“Bạn bè nhìn mình thấy thế này thế nọ mình cũng mất tự tin, đó là tâm lý chung, nó ăn vào bản chất của ta từ xưa rồi. Ta nhiều khi là sống vì cái người khác đánh giá, nhìn nhận về mình hơn là sống cho mình là vì thế đấy. Chứ có phải cứ thả cho mình, thoải mái cho mình đâu. Không có đâu, ít lắm.”

Cũng giống như phụ nữ Việt khi xưa, để có hàm răng đen “nhưng nhức hạt huyền” là cả một bí quyết. Quy trình nhuộm răng vô cùng phức tạp và không hề đơn giản: trước 1 ngày nhuộm phải ngậm chanh và rượu trắng để bào mòn lớp men ngoài của răng (giai đoạn này vô cùng khó chịu và đau đớn khi răng, môi, lưỡi và lợi bị sưng tấy); dùng vỏ cau khô châm than bột trộn muối bột để đánh bung hết men răng trong 3 ngày; sau đó dùng thuốc nhuộm được làm từ nhựa cánh kiến lên răng trong nhiều ngày với quy trình tỉ mỉ và cặn kẽ đến khi răng có màu đỏ cánh kiến. Đặc biệt, phải nuốt trôi không được nhai thức ăn trong thời gian này. Cuối cùng người phụ nữ dùng hỗn hợp phèn đen với nhựa cánh kiến phết lên răng.

Phụ nữ ngày nay, ngoài những rủi ro nghiêm trọng khi giải phẫu thẩm mỹ để nâng ngực, tắm trắng, gọt cằm, nâng mũi,… những tác động lâu dài từ việc đi dày cao gót, trang điểm hàng ngày, ăn mặc mỏng manh để giữ dáng xinh đẹp,... các chị đều biết, nhưng cũng lờ đi. Chị Hoa cho rằng:

“Không thấy tác động trực tiếp nên chưa thấy ảnh hưởng. Bây giờ phải bị đau xương hoặc đau khớp, người ta nói do đi dày thì lúc đó mới thả ra. Chứ bây giờ còn đi lại bình thường thì không sao hết. Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ ấy.”

Hạnh Lê, một trưởng phòng ở Hà Nội chia sẻ:

“Đi giày cao gót nhiều thì cũng quen nhưng đau chân và không thoải mái như đi dày bệt. Nhưng mà đẹp thì cũng vẫn cứ kệ thôi. Có hôm, hẹn một ông khách xong rồi mặc một cái váy ren với một cái áo khoác. Xong rồi ông ấy bảo là có rét không, mình bảo “có rét nhưng không dám kêu” xong rồi mình cứ lẩm bẩm “hôm nay đúng thời trang phang thời tiết đây, rét quá cơ.”

Cũng giống như phụ nữ ngày xưa, phụ nữ ngày nay, sau khi có chồng nếu không phải là nhân viên văn phòng, giáo viên,... thì sẽ không quan tâm đến việc tô điểm sắc đẹp nữa. Nếu có, quan điểm về cái đẹp của các cô thay đổi rất nhiều, tùy thuộc vào đánh giá của chồng. Hoa chia sẻ:

“Cũng muốn chồng ưng thì cũng hay hơn vì chồng cứ chê chế mình cũng không thoải mái. Ban đầu thấy đẹp cũng thích lắm, cũng thấy đẹp nhưng chồng chê, mình nhìn lại lại cũng thấy chán.” 

Tiêu chuẩn vẻ đẹp

Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng rằng, có bao nhiêu quốc gia, dân tộc thì có bấy nhiêu quan điểm về cái đẹp. Ví dụ phụ nữ Việt luôn cố gắng để có làn da trắng như Châu âu, trong khi đó, đối với người Châu âu, phụ nữ có làn da nâu dòn, lấm chấm tàn nhang mới là xinh đẹp.

Hơn nữa, mặc dù phụ nữ đã khổ sở để đẹp như vậy, nhưng Trang Tử đã nói, đại loại là Tây Thi có thể đẹp với chúng ta, nhưng với một con cóc đực thì mười nàng Tây Thi cũng chẳng thể đẹp bằng một con cóc cái. Vẻ đẹp của người phụ nữ trong mắt người đàn ông rất khác nhau, có thể người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp mảnh mai nhưng trong mắt một chàng trai Ấn Độ thực ra là gầy gò, yếu ớt, và... không hứa hẹn tương lai tốt đẹp.
Một nghiên cứu khác thì cho rằng đàn ông có lẽ sẽ thấy bất an khi thấy một người phụ nữ quá đẹp. Thanh, một thiếu phụ xinh đẹp ở Vinh chia sẻ về thái độ của chồng cô mỗi khi thấy cô trang điểm:

“Khi nào nó thấy mình trang điểm, mặc đẹp thì nó cũng tức. Có vài lần cắt váy đi thôi. Rồi nó nhốt lại, không cho đi.”

Một bất lợi khác với phụ nữ đẹp, đó là khi cả đàn ông và phụ nữ nhìn vào một phụ nữ thành công rực rỡ mà lại cực kỳ xinh đẹp, họ sẽ ngay lập tức quy ra rằng tất cả mọi vinh quang của cô đều chỉ nhờ ngoại hình, chứ chẳng phải vì tài năng sự khổ luyện. Các cô gái đẹp thực ra tốn nhiều công sức hơn để được ghi nhận thành quả, và rõ ràng sức hấp dẫn lúc này lại là một bất lợi lớn.

Ngoài ra, các cô còn phải chi quá nhiều tiền vào việc làm đẹp, Hạnh Lê chia sẻ về một trường hợp là nhân viên của cô:

“Ăn mặc đẹp. Lương thì chỉ được có  ba triệu rưỡi, bốn triệu một tháng thôi nhưng lúc nào cũng phải ăn mặc đẹp, sành điệu, suốt ngày đi du lịch, đi ăn nhưng vừa lĩnh lương một phát là đã mang tiền đi trả nợ hết rồi. Xong rồi lại đi vay tiền nhưng lúc nào cũng phải sành điệu như thế…”

Tất nhiên mỗi chúng ta đều muốn chăm sóc bản thân và muốn mình luôn ở tình trạng "ngon lành" nhất, nhưng ngay cả các tạp chí thời trang danh tiếng còn thấy cần phải dùng photoshop để chỉnh sửa ảnh cho những cô nàng người mẫu vốn đã long lanh, thì tại sao chúng ta lại cảm thấy áp lực để trở nên giống như họ?
Phụ nữ xấu, là những người không thể tự làm chủ, luôn dựa dẫm vào người khác, đặc biệt là đàn ông. Trong khi đó, đàn ông không bao giờ là bảo hiểm của cuộc đời họ được! Phụ nữ quyến rũ nhất khi độc lập. Và cũng sẽ hạnh phúc nhất khi cuộc sống của mình chẳng phụ thuộc vào bất cứ ai.

Phụ nữ xấu, là những người chỉ biết cam chịu chứ không muốn vươn lên. Giá trị của phụ nữ nằm ở chính những gì họ cố gắng mà có được. Sự tự tin vào các giá trị riêng có của bản thân mình luôn khiến họ đẹp hơn và việc chạy theo những giá trị mà số đông yêu cầu không bao giờ làm cho cuộc sống của bất cứ ai trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, “truyền thống”, “số đông”, “người ta”, v.v.. không hiểu vì sao, nhiều đời nay vẫn ám ảnh không chỉ phụ nữ Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực làm đẹp của họ.

Tạp chí Trang phụ nữ tuần này kết thúc tại đây. Hẹn gặp lại quý vị cũng vào giờ này tuần sau, trên làn sóng phát thanh của đài Á châu Tự do. Hạ Vũ xin chào tạm biệt. Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email havu082008@gmail.com.

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>