Sunday, April 26, 2015

Việt Nam cho phép mang thai hộ

n
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, mang thai hộ là hành vi dùng phương pháp hỗ trợ sinh sản, lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi noãn và tinh trùng gặp nhau tạo thành phôi sẽ chuyển phôi vào dạ con của người phụ nữ khác.
Hải Ninh, phóng viên RFA


Kể từ ngày 15/3, Việt Nam cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Quyết định này mở ra cơ hội cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, có nhiều trường hợp còn cứu giúp hạnh phúc của một gia đình.
Theo luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, việc mang thai hộ được cho phép tiến hành đối với những người họ hàng thân thích. Luật cũng quy định những yêu cầu dành cho bên nhờ mang thai hộ. Đó là người vợ phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền, xác định không thể mang thai và sinh con kể cả khi đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Thêm vào đó, cặp vợ chồng cần nhờ mang thai hộ cũng không có con chung, và họ phải được tư vấn về y tế, pháp lý và tâm lý.
Trong khi đó, luật cũng đưa ra yêu cầu dành cho người mang thai hộ. Theo đó, người mang thai hộ phải là họ hàng của bên vợ hoặc bên chồng. Người này từng sinh con và chỉ được phép mang thai hộ một lần. Nếu người phụ nữ này có chồng, người chồng của cô phải đồng ý bằng văn bản đối với việc mang thai hộ nói trên. Người phụ nữ mang thai hộ cũng phải ở trong độ tuổi phù hợp và phải khoẻ mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Anh Danh thuộc bệnh viện Từ Dũ ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
Mang thai hộ là tình trạng có lợi vì về mặt nguyên tắc họ không mang thai được về mặt y tế. Nó có lợi cho vợ chồng khi mà người ta muốn có con. Nó có lợi nhưng mình bị hạn chế vì chỉ cho phép người trong họ hàng mang thai hộ giùm thôi. Nó bị hạn chế vì người trong họ hàng không có ai có thể mang thai hộ giùm hoặc là họ từ chối không mang thai giùm.
Mang thai hộ là tình trạng có lợi vì về mặt nguyên tắc họ không mang thai được về mặt y tế. Nó có lợi cho vợ chồng khi mà người ta muốn có con. Nó có lợi nhưng mình bị hạn chế vì chỉ cho phép người trong họ hàng mang thai hộ giùm thôi
Bác sĩ Nguyễn Anh Danh
Bác sĩ Nguyễn Anh Danh cho biết hiện bác sĩ chưa tiếp nhận một ca mang thai hộ nào.
Trả lời phỏng vấn của báo điện tử VnExpress, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho biết hiện cả nước có khoảng 100 hồ sơ mang thai hộ, riêng bệnh viện phụ sản trung ương đã nhận tới 10 vụ. Hiện chỉ mới có ba bệnh viện là phụ sản trung ương, bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Trung ương Huế được phép thực hiện các ca mang thai hộ.
Cũng theo ông Tiến, các trung tâm hỗ trợ sinh sản phải kiểm tra kỹ hồ sơ để kiểm soát đúng rằng người mang thai hộ và người nhờ mang thai là cùng họ hàng. Ông khẳng định việc mang thai hộ theo mục đích thương mại là rất khó khăn do luật đặt ra các quy định chặt chẽ. Thêm một nguyên nhân nữa, theo ông, hầu hết các ca mang thai hộ đều kết thúc bằng việc mổ lấy thai. Hiếm có người nào mổ lấy thai quá hai lần vì sẽ nguy hiểm tới tính mạng của người mang thai.
Có hay không thị trường “ngầm” mang thai hộ?
Theo như khẳng định của ông Tiến, mang thai hộ là chuyện khó có thể diễn ra. Tuy vậy, dường như một thế giới ngầm về trao đổi chuyện mang thai hộ diễn ra từ lâu ở Việt Nam, trước cả khi nghị định mới đây công bố.
Trên trang diễn đàn dành cho bà mẹ trẻ em lớn nhất Việt Nam, Webtretho, có vô số những đoạn quảng cáo ngắn của những phụ nữ hiếm muộn tìm kiếm người mang thai hộ. Những người phụ nữ này thường tìm các cô gái trong độ tuổi từ 20-30 tuổi, khoẻ mạnh, cao từ 1,55 mét trở lên, và đặc biệt là chưa sinh con hoặc từng sinh con bằng phương pháp tự nhiên.
Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đã mang lại hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh. Ảnh minh họa
Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đã mang lại hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh. Ảnh minh họa
Đáp lại các đoạn quảng cáo đó là vô số các email từ những người nhận là các cô gái sẵn sàng mang thai hộ. Phần lớn trong số này là những phụ nữ gặp khó khăn về kinh tế. Có người là bà mẹ đơn thân, có người có gia đình tuy nhiên hoàn cảnh tài chính thì không được dư dả.
Một trong những cô gái này là Vinh, năm nay 30 tuổi, sinh sống ở Vũng Tàu và quê gốc ở Nghệ An. Chị Vinh đã có hai con trai, một đứa con sắp vào lớp một, còn cậu con còn lại mới hai tuổi rưỡi. Chị nói:
Gia đình em bây giờ hơi khó khăn một chút về kinh tế, một mình chồng em đi làm gánh cả gia đình. Chồng em cũng có bệnh về thần kinh toạ và xương khớp, nên anh cứ phải nghỉ ở nhà suốt. Chồng em lúc nào cũng ước có một số vốn để làm ăn, để anh khỏi phải đi làm công ty, anh ở nhà mở quán. Nhiều đêm em cũng nằm suy nghĩ nhiều, em không biết làm sao cả. Anh em họ hàng hai bên thì đều nghèo cả, mà mẹ em thì mất từ khi em còn nhỏ.
Chị Vinh nói sau hai, ba năm suy nghĩ, chị quyết định đi tìm “mối” để mang thai hộ. Chị cho biết kể từ khi đăng thông tin về việc sẵn sàng mang thai khoảng một tuần trước, cũng có 2-3 người tìm tới chị. Chị nói:
Em nghĩ là hay là bây giờ mình đánh đổi cuộc sống khoảng một năm để giúp người ta. Người ta cần có con, mình thì cần có tiền để làm ăn, thay đổi cuộc sống một chút, cho chồng em chữa bệnh. Em biết là đẻ rất đau, em nói với chồng em là em rất sợ nhưng mà em chấp nhận để có vốn làm ăn.
Em nghĩ là hay là bây giờ mình đánh đổi cuộc sống khoảng một năm để giúp người ta. Người ta cần có con, mình thì cần có tiền để làm ăn, thay đổi cuộc sống một chút, cho chồng em chữa bệnh. Em biết là đẻ rất đau, em nói với chồng em là em rất sợ nhưng mà em chấp nhận để có vốn làm ăn
Chị Vinh
Chị Vinh đưa ra mức giá ban đầu cho việc mang thai hộ là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, chị Hoài Thanh, ở Hà Nội, từng nhờ người mang thai hộ cho biết mức giá này là quá đắt. Chị Thanh nói:
Bây giờ nếu em mà mang thai một thì chỉ khoảng 120 [triệu đồng] thôi, với cả nuôi người ta trong vòng thời gian người ta giúp mình. Mỗi tháng thì em trả cho người ta hai triệu [đồng]. Còn nếu em nhờ người ta tìm người thì mất khoảng 10 triệu [đồng] nữa. Chị thì chẳng cần nhờ ai tìm cho chị cả, tự chị tìm được.
Chị Thanh bắt đầu quảng cáo tìm người mang thai hộ trên diễn đàn Webtretho từ năm 2012. Qua đây, chị đã tìm được một người giúp. Chị kể lại:
Năm 2012 thì chị đã thành công một lần rồi nhưng lần đó phôi của chị kém. Cháu lại mất. Đến 2014, chị bắt đầu làm tiếp, lần này phôi của chị tốt nên được hai cháu, một trai, một gái. Đợt này, cả hai vợ chồng chị cũng đều uống thuốc, cái người giúp chị, chị cũng cho người ta uống thuốc bắc một năm trời trước khi bắt đầu làm.
Năm 2012 thì chị đã thành công một lần rồi nhưng lần đó phôi của chị kém. Cháu lại mất. Đến 2014, chị bắt đầu làm tiếp, lần này phôi của chị tốt nên được hai cháu, một trai, một gái. Đợt này, cả hai vợ chồng chị cũng đều uống thuốc, cái người giúp chị, chị cũng cho người ta uống thuốc bắc một năm trời trước khi bắt đầu làm
Chị Thanh
Kỹ thuật mang thai hộ mà chị Thanh thực hiện năm 2014 là lấy trứng của người mẹ và tinh trùng của người cha để thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó, phôi này sẽ được chuyển cho một phụ nữ khác mang thai hộ. Như vậy, dù người mang thai hộ sinh con những đứa trẻ lại thuộc về người nhờ mang thai.
Chị Thanh nói, tổng chi phí cho lần mang thai hộ lần này là gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng trong thời gian người phụ nữ kia mang bầu, chị cũng “trả lương” cho cô gái 2 triệu đồng nữa để tiêu vặt. Chị Thanh cho biết trước khi tìm kiếm người mang thai hộ, các cặp vợ chồng cần tìm hiểu kỹ càng. Chị nói:
Đợt năm 2012 lần đầu tiên chị làm thì người đó cũng ngoài 30 rồi. Chị không có kinh nghiệm nên nó cũng có nhiều cái bất trắc. Đến năm ngoái chị đón người này sinh năm 1988,1989 thì cơ thể của người ta hấp thu được thai tốt nên người ta sinh được luôn. Cái quan trọng là người ta đang ở độ tuổi sinh sản mà người ta giúp được mình. Mình cũng phải có những cái hiểu biết thì mới làm được chứ mà tự dưng lao vào làm ầm ầm thì lại tốn kém tiền phôi của mình.
Tuy vậy, hình thức tìm người mang thai hộ như chị Thanh và chị Vinh tham gia là không tuân theo luật pháp Việt Nam hiện hành. Theo bác sĩ Trần Anh Danh của bệnh viện Từ Dũ, luật Việt Nam còn quá chặt chẽ so với nước ngoài. Vì thế, lâu nay, nhiều người Việt Nam đã tìm đến những nước như Thái Lan để thực hiện các ca sinh hộ do nơi này luật lệ có nhiều kẽ hở dễ bị lợi dụng hơn. Chuyện mai thai hộ ở Thái Lan cũng bị chỉ trích nhiều sau hai vụ là một cặp cha mẹ Australia từ chối không nhận đứa con bị bệnh down và chuyện một người Nhật có cả chục đứa con nhờ người sinh hộ bị nghi ngờ.
Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hải Ninh xin cảm ơn quý vị.  Mọi ý kiến đóng góp cho bài vở của trang tạp chí, xin mời quý vị gửi email về theo địa chỉ phamn@rfa.org hoặc gửi tới trang Facebook cá nhân của Hải Ninh tại www.facebook.com/haininhrfa. Còn bây giờ, Hải Ninh xin chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần sau.

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>