
Hạ Vũ, thông tín viên RFA
Theo kết quả thống kê gần đây của Google, Việt Nam là một trong những nước có số câu lệnh tìm kiếm chứa từ “sex” nhiều nhất thế giới. Độ tuổi tìm kiếm các cụm từ có liên quan, đến nhiều nhất từ trẻ vị thành niên.
Bên cạnh đó, trong số vụ án lạm dụng tình dục trẻ em bị xét xử có ít nhất 10 trường hợp trẻ gái 12 tuổi tự nguyện có hành vi quan hệ tình dục. Các bé gái từ chủ động làm quen, đến rủ rê, thậm chí bỏ nhà đến ở cùng bạn trai, có bé còn ranh mãnh nói khống tuổi để đối tác đồng ý.
Nguyên nhân vì sao? Các bà mẹ có con gái phản ứng thế nào trước những “hiện tượng” mới lạ trên và họ có những biện pháp nào để bảo vệ con gái?
Có một câu chuyện kể như sau:
“Một cậu bé được cô giáo giao về nhà nhờ bố mẹ, ông bà giúp bổ sung thêm kiến thức về giới và sự sinh sản của con người. Cậu hỏi bố: “Cha ơi, con đến từ đâu?” – “Ba mẹ nhặt được con từ một con phố rất đặc biệt”, người bố trả lời với một cái nháy mắt.
Không thỏa mãn với câu trả lời của Bố, cậu hỏi ông: “Ông ơi, cha cháu có từ đâu?” – “Trời biết ông bà yêu trẻ con nên nhờ đại bàng mang ba cháu đến” – người ông nói với đôi mắt mơ màng.
Sau đó, trong bài tập của mình, cậu bé viết: “Gia đình em thật kỳ lạ, em không hiểu tại sao nhưng hai thế hệ trước không hề có sex”.
Đó, có thể coi là câu chuyện tiêu biểu, thể hiện rõ hiện trạng hoạt động giáo dục giới tính (GDGT) hiện nay ở Việt Nam. Nhà trường đùn đẩy vai trò cho gia đình và gia đình, một phần do tâm lí xã hội Á Đông ngại đề cập đến những chuyện tế nhị, một phần vì chính cha mẹ, ông bà cũng không được trang bị tốt về kiến thức GDGT để truyền đạt cho con cháu, làm cho các em không được định hướng rõ ràng, tỉ mỉ. Thậm chí còn bị ngăn cấm khi cố gắng tìm hiểu về các kiến thức GDGT.
Điều đó, khiến các em càng tò mò, càng muốn tự tìm hiểu và dễ bị kích thích tìm kiếm các kiến thức về chủ đề được coi là “nhạy cảm”, “cấm kỵ” trong gia đình và nhà trường. Vấn đề phát sinh từ đây. Khi việc GDGT cho trẻ em phụ thuộc vào internet.
Nếu bạn google các cụm từ như giới tính, sex, tình dục, nam và nữ, dậy thì, hôn nhau, vì sao trẻ con ra đời, sinh sản, v.v.. là những cụm từ mà Hạ Vũ cho rằng, ở độ tuổi vị thành niên, các em sẽ tìm kiếm để có được kiến thức về vấn đề khiến các em tò mò; kết quả sẽ khiến bạn dễ dàng hiểu rõ nguồn cơn của tất cả những “vấn nạn” liên quan đến trẻ vị thành niên tại Việt Nam như: Tỉ lệ nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên của Việt Nam đang được xếp cao nhất trong khu vực Đông Nam Á - với khoảng 300.000 ca nạo phá thai hằng năm (theo ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo TƯ trao đổi với báo chí bên lề hội thảo về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình ngày 21/05/2015); hay tỷ lệ sinh con ở tuổi này rất cao, ở mức 46/1.000 trường hợp và tỷ lệ các bà mẹ đơn thân tuổi teen – những cô bé mang thai và bị bỏ rơi ngoài ý muốn -cũng đang ngày một tăng nhanh đến chóng mặt.

TS Vũ Thu Hương trong một buổi giảng về giáo dục giới tính cho học sinh lớp 5. (Infonet)
Theo định nghĩa của ngành y tế, GDGT là một thuật ngữ rộng miêu tả việc giáo dục về giải phẫu sinh dục, sinh sản, quan hệ tình dục, sức khoẻ sinh sản, các quan hệ tình cảm, quyền sinh sản và các trách nhiệm, tránh thai, và các khía cạnh khác của thái độ tình dục loài người. Những cách giáo dục giới tính thông thường là thông qua cha mẹ, người chăm sóc, các chương trình trường học và các chiến dịch sức khoẻ cộng đồng.
Sự xuất hiện và lan rộng khủng khiếp của căn bệnh thế kỷ AIDS đã mang lại một ý nghĩa khẩn cấp mới cho chủ đề giáo dục giới tính. Tại nhiều nơi ở Châu Phi, nơi AIDS đã trở thành bệnh dịch, giáo dục giới tính được coi là một chiến lược sống còn để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
GDGT đã được hầu hết phụ huynh công nhận và cho rằng càng làm sớm càng tốt. Rất nhiều tổ chức quốc tế đã đề cập tới vấn đề này trong các chương trình của họ và bộ Giáo dục – Đào tạo cũng đã cho phép “lồng ghép” GDGT vào các môn học và chương trình sinh hoạt đoàn – đội hiện tại. Tuy nhiên, các chương trình đó gần như không những không có tác dụng hỗ trợ trẻ trang bị kiến thức, hiểu biết và các biện pháp bảo vệ bản thân, lập kế hoạch hôn nhân, tình yêu, v.v. mà còn tăng thêm sự tò mò, thúc đẩy các em tìm đến thế giới kiến thức không được kiểm chứng trên internet.
Hải Thanh, một học sinh cấp 3 tại Hà Nội chia sẻ về các “khóa học” GDGT mà em đã được tham gia trong các cấp học của mình.
“GDGT thì cháu không được học nhiều. Không tính theo mình học lớp mấy mà là thỉnh thoảng có một tổ chức nào đấy về dạy một hai tiết thôi chứ không thường xuyên. Ở cấp 2, Cấp 2 thì cháu được đi tập huấn 2 lần. Trường sẽ chọn ra mấy bạn đi học về cái đó sau rồi về chia sẻ với những bạn ở trong câu lạc bộ trẻ nòng cốt hay trẻ vị thành niên gì đó. Chỉ thế thôi, chỉ những bạn được đi học thì sẽ biết còn những bạn khác thì không biết gì”.
“Một lần ngồi trong một cái bàn rộng, có một cô tên là Ánh Tuyết cô ấy đến nói về chuyện ấy rồi cho chơi một trò chơi, cho đóng giả các tình huống nếu bị gạ gẫm thì sẽ như thế nào. Một lần khác thì họ mời đến một nhà hàng, cách thức thì vẫn là chỉ để nói chuyện, cho xem các tranh ảnh rồi nói đấy là cái gì. Thế thôi ạ!”
“Về thì có nói lại cho các bạn. Mình được nghe nói những cái gì thì nói lại thế thôi. Mọi người chỉ nói giới tính là gì, nói chung chỉ nói về định nghĩa. Về quan hệ thì nói đến các biện pháp tránh thai, độ tuổi sinh sản thích hợp, v.v.”
Cấp 3 thì một lần ngồi giữa sân trường, toàn trường mấy nghìn học sinh. Xong rồi trên sân khấu có một anh thanh niên tình nguyện anh ấy đến anh ấy nói. Lần thứ 2 thì cũng vẫn ngồi như thế nhưng mời một cái người mà chuyên đi dạy về những cái đấy về dạy. Cả trường gần hai nghìn học sinh, ngồi ở sân trường. Những buổi như thế thì thường diễn ra trong một buổi sáng hoặc một buổi chiều”.

Phương pháp dạy giáo dục giới tính cho học sinh bằng... dưa chuột của cô giáo Bùi Thị Kiều đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. (Ảnh cắt từ clip/TT)
Những chủ đề được xem là “tế nhị”, “nhạy cảm” được đem ra dạy trong một buổi sáng hoặc chiều, bởi một người, cho hai ngàn học sinh cả nam lẫn nữ ngồi cùng nhau trên sân trường. Không cần phải được trực tiếp tham gia sự kiện đó, bạn cũng có thể hình dung ra quang cảnh lộn xộn, hình ảnh các em gái ngượng ngùng túm tụm vào nhau, các em trai chỉ trỏ vào bạn gái, cười cợt, v.v… không cần phải là các em – nạn nhân của những giờ học ngoại khóa hết sức “tân tiến” đó, bạn cũng có thể biết, những kiến thức nào sẽ đọng lại trong đầu trẻ nhỏ, những thông tin nào sẽ thôi thúc các em tiếp tục tìm kiếm….trong những cái đầu nhỏ xíu, tò mò và thiếu nền tảng đó, hẳn không có chỗ cho những cụm từ như tình yêu, sự thăng hoa, bình đẳng giới, xây dựng gia đình, hôn nhân bền vững, an toàn tình dục hay bạo vệ phụ nữ, v.v. vốn là những nội dung cần được trao đổi, giảng dạy liên quan đến GDGT.
Theo báo cáo của quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), năm 2011, cả nước có 1.453 trẻ bị xâm hại tình dục … là con số bổ sung cho số ca nạo phá thai và tỷ lệ trẻ vị thành niên làm mẹ, khiến các bà mẹ rùng mình sợ hãi. Tuy nhiên, giải pháp bảo vệ con của các mẹ, lại chỉ dừng lại ở “để ý”, “bảo vệ” con bởi vì con vẫn còn bé …
Hoa Mai, một bà mẹ ở Phú Thọ cho biết.
“à. Tâm lý chung là lo lắng, hốt hoảng. Thì bây giờ cũng phải để ý con thôi chứ làm thế nào. Bây giờ nó đang còn bé, nó biết cái gì, chủ yếu là mình thôi chứ còn nó thì nó đã biết cái gì. Đừng có để cho nó ở một mình, không cho nó ra ngoài đường, v.v…”
Thúy Hằng, một bà mẹ ở Hà Nội cũng có cùng quan điểm:
“Nhím thì tớ để ý với lại cũng cẩn thận. Kể cả chơi bời các thứ cũng cẩn thận. Bạn bè trong tầng chẳng hạn, có thằng lớn hơn thì mình cũng giữ cho nó ít thân thiết quá. Còn người lớn thì cũng để ý, thằng nào mà người lớn nhưng mình nhìn trông nó tướng dê xồm là cũng hạn chế cho nó chạy sang nhà chơi. Mình cũng để ý chứ, con gái lớn mà. Dạy thì chưa. Nó chưa nhận thức được nhiều đâu. Cái đấy dạy như vẽ đường cho hươu chạy ấy mà”.
Xem ra, mặc dù sự phát triển về sinh lí và thể chất của người Việt đang ngày một cải thiện. Cùng với sự đi lên của đời sống, điều kiện kinh tế, vật chất. Thế hệ trẻ đang ở tuổi vị thành niên, thanh thiếu niên của Việt Nam đang lớn rất nhanh, các nhu cầu hiểu biết về sinh lí, tình dục cũng bộc lộ sớm hơn so với các thế hệ trước, kiến thức, quan điểm về dạy dỗ, “bảo vệ” con của các mẹ vẫn là những kiến thức, quan điểm của thế kỷ trước, được truyền từ thế hệ này, qua thế hệ khác. Có thể bạn sẽ giật mình, khi biết con gái của hai chị Hằng và Mai đều đã 07 tuổi, cách tuổi dậy thì trung bình ở trẻ em gái hiện nay chỉ 5 – 6 năm.
Với quan điểm mình sẽ là cả bầu trời che chở cho con, cha mẹ Việt (cho dù là thế hệ 8x như 2 nhân vật được phỏng vấn) thường có cùng câu trả lời khi được hỏi về những trường hợp trẻ yêu sớm với bạn bè cùng lớp hoặc anh em họ hoặc bị lạm dụng bởi những người thân quen, rằng:
“Nói chung là cũng khó. Phòng người gian được thôi chứ phòng người ngay thế nào được. Cơ bản là bây giờ con mình còn bé thì mình bảo vệ với mức độ là còn bé. Có hướng dẫn hay là bày thì nó cũng chưa biết gì. Chủ yếu là mình và người nhà thôi. Chứ còn nếu mà để cảnh giác với tất cả mọi người thì chẳng ai cảnh giác được ….”
Nếu ngay từ khi còn là những đứa trẻ mẫu giáo, người Việt được khuyến khích phát triển trí tò mò với mọi sự vật, hiện tượng xung quanh đến tận cùng. Để mỗi đứa trẻ không chỉ dừng lại từ việc tò mò vì sao trời mưa, vì sao cây táo lại nở hoa, vì sao cây đào lại cho quả, v.v.. mà còn biết liên tưởng, kết nối mọi sự vật, hiện tượng với nhau để tìm ra rất nhiều câu trả lời mỗi một câu hỏi.
Nếu ngay khi trẻ em có câu hỏi “vì sao em bé ra đời” (thường vào năm trẻ lên 3 – 5 tuổi, khi trong nhà có thêm em bé), bố mẹ có thể trả lời thành thật, tường tận và tiếp tục khuyến khích trí tò mò của các em, họ không chỉ sẽ nhàn nhã hơn trong “công cuộc” bảo vệ con cái so với cách cổ truyền (giữ con trong vòng kiểm soát của mình).
Và hơn nữa, khi những đứa trẻ trưởng thành, chúng chắc chắn sẽ có các kiến thức vững vàng, cụ thể hơn về mọi vấn đề cũng như biết cách thẳng thắn nhìn nhận vào mọi sự vật, hiện tượng để tìm ra giải pháp. Và giải pháp tốt nhất để cho một đứa trẻ không trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục, của việc nạo phá thai, của các căn bệnh tình dục không gì khác hơn là cung cấp cho đứa trẻ những kiến thức đầy đủ, chân thực nhất về tất cả mọi vấn đề để nó biết cách bảo vệ mình trong tất cả mọi tình huống, phù hợp với năng lực và tình huống mà nó gặp phải.
Đáng tiếc, giữa thế kỷ 21, trẻ con ở Việt Nam vẫn chưa được thụ hưởng cách giáo dục đó, trong vấn đề GDGT ở cả gia đình và trường học.
No comments :
Post a Comment