![]() |
Một phụ nữ mua hoa đào chuẩn bị trang trí nhà cửa đón Tết Nguyên đán. |
Hạ Vũ, thông tín viên RFA
Chỉ còn chưa tới một tuần nữa là tới kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay. Tết nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong năm của người Việt. Mỗi gia đình, cá nhân đều hân hoan chờ đón kỳ nghỉ lễ dài với rất nhiều lễ nghi được xem là truyền thống của dân tộc này.
Trên các đường phố, trong các khu chợ cũng như trên các diễn đàn online, chị em đang rôm rả trao đổi, mua bán, chuẩn bị cho dịp Tết.
Họ mua sắm những gì, cho ai và vì sao!? Họ có quên mất ai trong danh sách những người cần được quan tâm, chăm sóc vào dịp Tết này không?
Đây là đề tài trên trang phụ nữ kỳ này, mời quý thính giả cùng theo dõi.
Việc chi tiêu ngày Tết
Chi tiêu tiết kiệm trong ngày Tết luôn là tiêu chí hàng đầu của nhiều gia đình khi mà có quá nhiều thứ cần phải mua trong dịp lễ này, vì thế, nếu không phải là người tiêu dùng thông minh sẽ dẫn đến việc lãng phí tiền bạc.
Bên cạnh những lời khuyên về cách mua sắm, tiết kiệm chi tiêu, trong dịp tết, chị em cũng chia sẻ rất nhiều bài viết thể hiện sự “tiến thoái lưỡng nan” trong quá trình mua sắm tết, đặc biệt với những chị sống cùng mẹ chồng. Những câu chuyện về ngày Tết cận kề mà mẹ chồng - nàng dâu, người thì không thèm nhìn mặt, kẻ giận đến xưng xỉa mặt mày khiến cho không khí trong nhà căng thẳng, ngột ngạt... được chia sẻ rất nhiều trên các diễn đàn.
Trong dịp Tết cổ truyền này, nhu cầu tiêu dùng của mọi gia đình đều tăng do có quá nhiều thứ phải mua, các bà nội trợ phải lo lắng đủ loại chi phí trong việc chi tiêu. Không những làm mới, trang trí lại nhà cửa sau một năm bám bụi mà còn phải chuẩn bị quà Tết, mua vé tàu xe về quê, tiền lì xì… Vì thế khi Tết đến, rất nhiều gia đình cảm thấy ngán ngẩm thay vì háo hức đón Xuân.
Vào những tuần lễ cuối cùng của năm cũ này, trên các trang báo, tạp chí, diễn đàn tràn ngập các bài viết cung cấp cho chị em phụ nữ những lời khuyên về việc chi tiêu, mua sắm trong dịp Tết. Hầu hết các lời khuyên nhằm vào việc lên kế hoạch chi tiêu, tranh thủ sắm hàng khuyến mại, mua làm nhiều lần… Những món hàng cần mua, các món ăn cần làm, các nguyên liệu cần tích trữ cũng như các lễ nghi cần thực hiện đều được các báo tích cực đăng tải.
Bên cạnh những lời khuyên về cách mua sắm, tiết kiệm chi tiêu, trong dịp tết, chị em cũng chia sẻ rất nhiều bài viết thể hiện sự “tiến thoái lưỡng nan” trong quá trình mua sắm tết, đặc biệt với những chị sống cùng mẹ chồng. Những câu chuyện về ngày Tết cận kề mà mẹ chồng - nàng dâu, người thì không thèm nhìn mặt, kẻ giận đến xưng xỉa mặt mày khiến cho không khí trong nhà căng thẳng, ngột ngạt... được chia sẻ rất nhiều trên các diễn đàn. Chị đảm đang quá bị mẹ chồng cho là “qua mặt”; chị vụng về quá bị mẹ chồng chê “ăn sẵn”, “ỉ lại”... khiến cho nhìn tới, nhìn lui, Tết thực sự là một “thảm họa” đối với hầu hết phụ nữ Việt.
Chị Châu, quê ở Huế, lấy chồng Hà Nội từ năm 2000 cho biết cảm giác của chị về Tết:
“Chị ra ngoài này từ năm 2000, lấy chồng ở ngoài này luôn. Tết đến, lòng lúc nào cũng hướng về quê ngoại, về nhà chị hết. Nhưng mà lấy chồng ở đây nên là Tết phải ở đây còn một năm chỉ mới thỉnh thoảng vào trong kia khoảng 2 – 3 lần. Nói thật lòng là nhớ nhà, kể cả bây giờ già rồi cũng vẫn nhớ nhà chứ. Tết nếu mà được về nhà thì thích chứ còn nếu mà nghỉ dài, ảnh hưởng tới công việc thì cũng không thích lắm.
Mua sắm thì đầy đủ rồi. Từ vùng núi Tây Bắc cho tới các miền thì nhà chị đều hội tụ hết. Chị là dâu trưởng nên mua cả bên nội, bên ngoại của bên nhà chồng. Chị làm kinh doanh nên mua cho khách hàng rồi nhân viên công ty, các thứ nữa. Với chị thì tết cũng như ngày thường.”
Nói đến câu cuối cùng, giọng chị nhẹ tênh như việc mua sắm, chuẩn bị, thực hiện biết bao nhiêu nghĩa vụ ngày Tết đã trở thành một thói quen bắt buộc phải thực hiện, mặc dù không đem lại niềm hạnh phúc nào cho chính bản thân mình, ngay cả niềm hạnh phúc nhỏ nhoi là được về ăn Tết cùng ba mẹ ruột.
“Đủ thứ hết” mà chị Châu nói đến là gì!? Minh Hà, một nhân viên bán hàng tại một siêu thị ở Hà Nội chia sẻ về các món hàng mà chị em thường mua sắm tại siêu thị, nơi cô làm việc:
“Mọi người thường hay mua các đồ bánh kẹo, với các đồ nhìn đẹp về quê làm quà hoặc là thắp hương; hoa quả, dưa... nói chung là những thứ màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn. Các chị cũng mua sắm nhiều, một số mặt hàng tiêu biểu như bia. Hôm trước có một khách hàng nhà em cũng mua đến gần 8 triệu tiền bia cơ, về quê để biếu Tết.”
Là người bán hàng, nhưng chính cô lại không được mua sắm cho mình và gia đình vào dịp Tết:
“Bọn em làm việc hết trưa 29 đấy nhưng vì điều kiện quê em ở xa nên các anh chị cũng tạo điều kiện cho em nghỉ sớm một hôm. Vì cũng bận làm việc nên em chưa mua sắm được gì.”
Tác hại của rượu bia
Rượu bia, chính là một trong những mặt hàng khiến các chị tiêu tốn nhiều tiền nhất trong dịp Tết. Điều đáng chú ý là hằng ngày, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng rượu bia: Những vụ ngộ độc rượu gây chết người, những vụ án hình sự thương tâm vì say rượu và đáng sợ hơn cả là con số người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia ngày một gia tăng, đặc biệt trong các dịp lễ Tết.
Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, sau một tuần nghỉ Tết, trên phạm vi cả nước xảy ra hơn 450 vụ tai nạn giao thông khiến gần 700 người chết và bị thương; điều đáng lưu ý là hơn 2/3 số vụ tai nạn nói trên có nguyên nhân liên quan đến việc uống rượu bia, một tỷ lệ rất cao.
Không được sử dụng đồng tiền mình làm ra để mang lại niềm vui, sự thoải mái cho chính bản thân mình, ngược lại, nhiều khi các chị tự chuốc lấy những nỗi đau khổ lớn cho cả cuộc đời chỉ vì các tập tục mua sắm, chi tiêu dịp lễ Tết đã thành “truyền thống” và thói ngông ngênh, “thể hiện bản thân” trên bàn nhậu của các ông chồng. Đáng kể hơn, vấn nạn này đang ngày một trở nên trầm trọng khi việc uống rượu không còn là “chén rượu nhấp môi” mà phải “uống tới bến”, “uống tẹt ga” và không một người đàn ông Việt Nam nào chịu “mất mặt” để chính mình ngồi sau tay lái của vợ hoặc tài xế taxi, cho dù đã say mèm.
Hạnh phúc của phụ nữ độc thân
Vậy, có người phụ nữ Việt Nam nào được phép mua sắm những thứ mình mong muốn và hạnh phúc bên cạnh những người mình yêu mến trong dịp Tết nguyên đán không!?

Chị em phụ nữ mua sắm quần áo chuẩn bị đón Tết
Hồng Mai, vừa đáp máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, chuẩn bị về quê ăn tết cho biết:
“Em thích Tết chứ. Em được về với bố mẹ, được gặp bạn bè. Em mua cho mẹ em một bộ nồi niêu xong chảo, cho bố mẹ các đồ mặc Tết. Bởi vì em ở xa nên em thích tết vì được về với bố mẹ. Nhìn chung là đến năm nay vẫn còn háo hức về Tết.”
Thanh Loan, bạn của cô còn hồ hởi hơn:
“Em chả mua cái gì cả. Nhà em, bố mẹ lo hết, em chả phải lo cái gì cả. Tết chỉ đi chơi thôi!”
Có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên, khi biết hai cô đều đã 30 tuổi và vẫn chưa có ý định lấy chồng. Tốt nghiệp thạc sỹ ở Úc và hiện đang có công việc tốt, đầy triển vọng ở Sài Gòn, các cô gái trẻ tươi rói, đầy nhiệt tâm như những bông hoa đang độ xuân thì chỉ lanh lảnh cười khi được hỏi về việc “đối phó” thế nào khi biết chắc về quê dịp tết sẽ bị giục lấy chồng.
Sự tích ngày Tết
Tục kể rằng, Ngày xưa, con người chưa biết tính thời gian, chưa biết tính tuổi của mình. Ở nước nọ, có một ông vua nổi tiếng thông minh và tài đức. Đất nước của ông thanh bình, dân tình ấm no.
Một lần, nhân dịp vui, nhà vua nảy ý định muốn ban thưởng cho người già nhất trong nước. Cả nước tưng bừng. Làng làng họp bàn chọn người già nhiều tuổi nhất. Nhưng chẳng làng nào chọn được người già nhất vì chẳng ai biết mình bao nhiêu tuổi. Triều đình cũng bối rối không tìm ra cách nào để chọn ra người già nhất nước.
Thấy vậy, nhà vua liền phái một đoàn sứ giả đi tìm các vị thần để hỏi. Trên đường đi, đoàn sứ giả gặp một bà lão nét mặt buồn rầu ngồi chăm chú trước cây đào. Đoàn sứ giả đến gần hỏi:
- Thưa cụ, tại sao cụ lại ngồi đây?
- Tôi đến đây để hái hoa đào. Thuở trước con tôi đi xa, cây đào này nở hoa. Bây giờ, mỗi lần hoa đào nở tôi lại ra hái một bông về để nhớ đến con tôi. - Bà lão trả lời.
Nhà vua vốn thông minh nghĩ ra cách tính tuổi con người: Cứ mỗi lần hoa đào nở thì tính một tuổi. Sau này, người ta biết mười hai lần trăng tròn rồi lại khuyết, hoa đào lại nở một lần. Cảm động nhớ đến bà lão hái hoa đào, nhà vua truyền cho thần dân cả nước: Mỗi lần hoa đào nở mở hội ba ngày, ba đêm.
Những ngày vui ấy, sau này người ta gọi là Tết. Phong tục ấy còn truyền mãi đến bây giờ.
Ngày Tết đã trở thành lễ hội truyền thống lớn nhất ở đất nước ta như vậy đấy! Đó là thời khắc đất trời hồi sinh, để nhắc nhở mỗi chúng ta về công sinh thành, dưỡng dục và tình yêu bao la của cha mẹ cũng như sự bao dung của đất trời và vạn vật với mỗi con người!
Để cảm ơn đất trời, vạn vật cũng như công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ba ngày hội từ xa xưa đã được xem là đủ đầy để mỗi người lại có một khởi đầu mới, tốt đẹp và hào hứng hơn.
Có rất ít lý do để việc “giữ thể hiện”, việc phô trương sự giàu có hay việc thể hiện tài đảm đang, vị trí con dâu... trở thành gánh nặng cho các chị em nhân dịp tết nguyên đán. Không hiểu vì sao, mỗi năm, những vấn nạn mua sắm, chi tiêu... lại một trở nên nặng nề hơn đối với mỗi phụ nữ Việt, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế ngày một suy thoái.
Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com.
No comments :
Post a Comment