Sunday, October 23, 2016

Một Tăng Nhân ở Sài Gòn bị kỷ luật vì… hát “Thánh ca”

pic
Đại đức Thích Lệ Ngạn hát trong sự kiện của Công giáo ở Sài Gòn, lấy từ Youtube.
By Xuân Ngọc
Đại đức Thích Lệ Ngạn phải sám hối trước chư tôn GHPGVN trong nước vì phạm giới luật và "gây dư luận không tốt" sau khi hát bài "Ơn gọi một ngôi sao" trong buổi giao lưu văn nghệ ở một tu viện Công giáo tại Sài Gòn.

Hai ngày nay, báo chí trong và ngoài nước, cùng độc giả và cư dân mạng đang không ngớt bàn tán về một chuyện khá là hy hữu trong Giáo hội phật giáo Việt Nam trong nước.

Hy hữu đến mức mà sáng ngày 17/10/2016, tại Văn Phòng BTS GHPGVN TP.HCM , Chùa Ấn Quang số 243 Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM đã diễn ra phiên họp về vụ  "Nhà sư hát thánh ca" đang gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội trong thời gian gần đây.

Chuyện bắt đầu từ Video clip trên mạng "Nhà sư hát thánh ca"

Theo báo Tri thức trẻ hôm 19/10, Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Phó Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Tp Hồ Chí Minh cho biết về sự việc này.

“Theo báo cáo và tường trình, vào lúc 19h30 phút, ngày 3/10, theo lời mời của một tu viện Công giáo trên địa bàn Quận 9 tham dự "lễ diễn nguyện", Đại đức Thích Nhựt An, trụ trì tổ đình Phước Tường đã cử Đại đức Thích Lệ Ngạn là đệ tử và đại diện tổ đình đến giao lưu.”

“Tại buổi giao lưu văn nghệ, Đại đức Thích Lệ Ngạn đã biểu diễn bài hát "Ơn gọi một ngôi sao".

“Sau đó, clip quay lại được đăng tải trên các trang mạng xã hội, gây dư luận không tốt về hiện tượng "Sư thầy hát thánh ca".”

“Tại buổi họp, lãnh đạo Ban Thường trực Phật giáo TP Hồ Chí Minh xác định, việc giao lưu với các tôn giáo bạn là hoàn toàn bình thường nhưng Đại đức Thích Lệ Ngạn ca hát là phạm vào Giới luật Phật chế định.”

“Đồng thời, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người xuất gia, khiến người bình thường có cách nhìn sai lệch đối với đời sống Tăng Ni và cả hệ thống Giáo hội,” Hòa thượng Thích Thiện Tánh nói.

Một Đại đức hát thánh ca và bị cho là phạm giới luật của giáo hội phật giáo trong nước.

Chưa đề cấp đến “cái tội” và cách xử lý của Giáo hội phật giáo VN trong nước, mà nói đến bài hát này.

Rất nhiều cư dân mạng đã chia sẻ cảm nhận của mình, mà đa số là khen ngợi giọng hát của Đại đức Thích Lệ Ngạn.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Đại đức Thích Lệ Ngạn cất giọng hát.

Nếu ai thích nhạc phật giáo, thì chỉ cần search tên các bài hát và tên người trình diễn là Thích Lệ Ngạn thì sẽ thấy rất nhiều bài hát được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng âm nhạc ở VN.

Thế nhưng, lần này thì một bài thánh ca đã khiến đại đức Thích Lệ Ngạn bị “xử lý”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước phạt như thế nào?

Theo tờ Báo mới, sau khi xem xét kỹ càng, buổi họp đã đưa ra quyết định, yêu cầu Đại đức Thích Lệ Ngạn phải sám hối trước chư tôn đức, gỡ những video clip liên quan đến đương sự trên mạng xã hội, cam kết chấm dứt việc ca hát và không tham gia các hoạt động sinh hoạt có liên quan đến lĩnh vực này.

Ban trị sự Phật giáo Quận 9 có trách nhiệm tạm thời đình chỉ vai trò Trưởng Ban hướng dẫn Phật tử Phật giáo Quận 9 của Đại đức Thích Lệ Ngạn trong thời gian 3 năm.

Đồng thời, cho phép Đại đức Ngạn tường trình vụ việc, có xác nhận của Ban trị sự Phật giáo Quận 9 để xin phép Trường trung cấp Phật học TP Hồ Chí Minh được đi học trở lại (trước đó, vì sự việc này, Đại đức Ngạn đã bị đình chỉ học tại trường).

Đối với Đại đức Thích Nhựt An, trụ trì tổ đình Phước Tường, sư phụ của Đại đức Ngạn tạm thời sẽ không tiếp nhận đệ tử trong thời gian ít nhất là 3 năm khi thi hành quyết định này. Sau này, nếu có sự chuyển biến tích cực sẽ được phép tiếp tục nhận đệ tử.

Đại đức Thích Nhựt An và đệ tử Thích Lệ Ngạn đã thành tâm sám hối và tuân thủ quyết định của Ban Thường trực Phật giáo TP Hồ Chí Minh đề ra.

Hòa thượng Thích Thiện Tánh cũng nhấn mạnh, đây là bài học lớn lao cho những Tăng Ni trẻ về những biểu hiện không phù hợp, tuân thủ giới luật đã thọ.

Thông qua sự việc này các thầy sư phụ cũng phải xem lại như phương pháp quản lý và dạy dỗ đối với đệ tử.

Tại sao hòa thượng không được…ca hát?

Phật tử được lắng nghe thuyết pháp và được nghe các thầy hát tặng những bài ca phật giáo, bài hát về tình yêu thương trong gia đình, cộng đồng.

Ví dụ trong dịp Lễ Vu Lan, thì các thầy hát bài Bồng hồng cài áo, rồi những bài ca ngợi công đức đấng sinh thành.

Tại sao trong nước lại không cho hòa thượng được cất lên tiếng hát?

Về câu hỏi này, Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Trưởng Ban Kiểm Soát Trung Ương GHPGVN trả lời với báo mạng Người Phật tử.

“Giới luật nhà Phật đã có quy định rất rõ cấm nghe xem hát múa đờn kèn, thì sao một người tu có thể đi thi hát.”

“Hát nhạc Phật giáo đã không đúng chứ nói gì hát một bài nhạc đời, dù đó là bài có nội dung đạo đức cũng không thể chấp nhận,” Hòa thượng Thích Thiện Tánh nói.

“Hiện nay, do sự phát triển của xã hội, các phương tiện truyền thông và thông tin xuất hiện, các mối quan hệ xã hội nên chúng tôi cho rằng có thể du di việc nghe và xem hát.”

“Nhưng không thể một người là tu sĩ thì không được làm như thế. Đây là giới luật do đức Phật chế ra không ai dám sửa đổi. Nếu làm là vi phạm.”

“Ca hát trước công chúng, là ca sĩ… việc này là của người ngoài đời, người tu không được làm. Vì hát là còn tham đắm vào cái hay mà người tu thì cần lìa xa việc tham, sân, si. Vậy sao còn làm? Hãy để việc ca hát cho người đời họ làm. Giáo hội không thể đồng tình với những hành vi này,” Hòa thượng Thích Thiện Tánh trả lời báo chí trong nước.

Độc giả và cư dân mạng nói gì?

Về câu chuyện này, có vô số lời bình luận trên Facebook, sau đây là một vài ý kiến trên trang Facebook của SBTN.

Tâm Thanh
Không được xem,nghe....vì như vậy là phạm giới. Vậy thì các cuộc lễ lớn, nhỏ của Phật giáo(đặc biệt là Phật giáo miền Bắc) đều có Phật tử hoặc ca sĩ hát mà đối tượng xem nghe là các vị lãnh đạo Phật giáo thì sao nhỉ?
Hơn thế nữa trong tổ chức Giáo hội có Ban Văn Hóa(trong văn hóa có văn nghệ)để làm gì??
Các sự kiện lớn như Phật Đản, Vu Lan, Kỷ niệm ngày thành lập GHPGVN v.v..đều có thi văn nghệ ca hát, trong cuộc thi có rất nhiều thầy đứng ra tổ chức,nhận xét đều là phạm giới cả sao???
Nếu theo cách trả lời bài phỏng vấn trên thì nên bỏ hẳn vấn đề văn nghệ trong tổ chức Phật giáo đi cho rồi!!!

Trang Trang Bich
Phật hay trong kinh Phật điều khoản nào cấm hát Thánh Ca, giao lưu cùng tôn trọng tôn giáo, lời nhạc Thánh Ca dạy làm người tốt, chứ có phải bôi nhọ từng tôn giáo?

Dung Nguyen
Hát thánh ca thì sao bộ đi tu Phật pháp là ko đc hát thánh ca hả.
Vậy là Phật giáo Việt Nam trở thành Phật giáo cực đoan rồi.
Sư sãi thì toàn hổ mang với quốc doanh chỉ chực chờ bá tánh chết để đến tụng cúng cơm.
Ra đường thì chạy xe lạng lách như ngáo đá. Bà con hải ngoại cứ gửi tiền về cho xây chùa nhưng họ đâu có biết tiền của họ trôi về đâu.

Dinh Huy Jo
Cũng là tôn giáo luôn dạy điều ngay. Giao lưu hai tôn giáo thì có gì mà các " bác" tu hành trên nóc nhà làm ảnh hưởng bầu khí tôn giáo!
Nghe bài hát đó chưa? Nghe đi! Bình thường mà. Mầm mống chia rẽ là đây!

Văn Mạnh Đỗ
Làm gì có chuyện Chúa với Phật ko hoà thuận được? Nếu có chăng thì một vài người (hoặc một số ít) người theo đạo Phật và đạo khác ko hoà thuận với nhau thôi, điều đó thì cũng dễ hiểu vì đã là người thì có: Hỷ, Nộ, Ái, Ố.

Đào Duy Thiện
Thầy Thích Lệ Ngạn trước giờ vẫn ra MV các ca khúc Phật giáo sao không bị phạt.
Giờ thầy hát một bài thánh ca thì bị phạt là sao? Phật giáo nhà sản giờ không phân định được đâu là điều xấu tốt à.

Văn Mạnh Đỗ
Người xuất gia hát Thánh ca thì bị phạt, còn "ăn chơi" thì sao? Sao nhiều vụ ""ăn chơi" của ko ít người xuất gia lại ko nghe nói đến hình thức phạt gì?

Trương Hoàng
Bó tay luôn người ta giao lưu tôn giáo đạo nào cũng dạy người ta ăn hiền ở lành ,sao lại phân chia tôn giáo như vậy? hết lời !


No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>