Tuesday, October 31, 2017

Tư tưởng Tập Cận Bình có gì mới?

pic

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay cựu tổng bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân nhân Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm 24/10/2017.

Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vừa kết thúc với việc đưa “tư tưởng Tập Cận Bình” vào Điều lệ Đảng.

Tư tưởng của ông Tập Cận Bình, người vừa là tổng bí thư đảng và chủ tịch nước Trung Quốc, được cho có sẽ chi phối quan điểm đối ngoại của Trung Quốc trong 5 năm qua và những năm sắp tới.

Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển Việt Nam (VIDS), một người nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc đánh giá, ông Tập Cận Bình và những lãnh đạo trước đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều có điểm giống nhau về “tư tưởng Đại Hán”, “tư tưởng sô-vanh nước lớn”.

“Trong các mối quan hệ quốc tế, thì mọi người đầu thấy rõ, bây giờ Tập Cận Bình muốn xây dựng một trật tự thế giới mới. Mà trật tự thế giới mới ấy, nếu không vượt được Mỹ, thì ít ra cũng phải ngang hàng với Mỹ. Ông ấy từ trước đến nay đã xây dựng nhiều mối quan hệ với các nước ở các châu lục vì cậy rằng Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ khá lớn. Dân thì rất là khổ, nhưng Chính phủ thì nắm được khá nhiều tiền, cho nên mang đồng tiền của mình đi để xây dựng những mối quan hệ. Và nghĩ rằng, mình đã xây dựng được những mối quan hệ ấy thì mình có thể thao túng được nhiều nước trên các châu lục trên thế giới.”

Đồng quan điểm với nhà văn Nguyên Bình, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết theo dõi và chú ý những mục tiêu của Trung Quốc trong kỳ đại hội này. Đối với các vấn đề đối ngoại, Giáo sư Mai nhận định, tuy Trung Quốc phát triển trong hàng chục năm qua, nhưng để vươn lên làm cường quốc, khát vọng toàn cầu bằng tư tưởng bá quyền bành trướng, “đi lại con đường của chủ nghĩa thực dân” thì Trung Quốc sẽ gây ra mâu thuẫn với các cường quốc khác.

“Bởi vì người Mỹ không thể chấp nhận được. Thế còn Trung Hoa muốn vượt lên, thì yếu tố kinh tế phải tử tế hơn, yếu tố chính trị phải nhân văn hơn và yếu tố thứ ba là văn hóa, làm sao người ta nhìn thấy xã hội ấy có sức hấp dẫn.”

Việt Nam ngày càng lệ thuộc Trung Quốc

Khi kết thúc Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có gửi điện chúc mừng. Theo nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, bức điện chúc mừng được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bằng tiếng Trung, có lời ca ngợi ông Tập là “lãnh tụ anh minh”. Bà Nguyên Bình nhận định, mối quan hệ Việt – Trung sẽ không có gì thay đổi.

“Qua cái đại hội này, dù ông ấy (Tập Cận Bình) có nói ngôn từ mới hay có như thế nào đi chăng nữa, thì ông ấy vẫn có một ý định là khống chế Việt Nam, làm cho Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc. Mà trong đại hội, ông ấy nói thẳng ra mồm là ông ấy kiên quyết giữ đường lưỡi bò, khống chế biển Đông. Người ta nói trong đại hội rõ ràng như thế, mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn gửi điện, vẫn ca ngợi ông ấy là “lãnh tụ anh minh” thì rõ rồi. Cái quan hệ từ trước đến nay chắc chả có gì thay đổi, vẫn thế. Nếu không có gì thay đổi, nhất là ban lãnh đạo Việt Nam không có gì đột biến, thì vẫn là mối quan hệ lệ thuộc và ngày càng lệ thuộc.”

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhận định, thái độ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông sẽ không có gì thay đổi sau kỳ đại hội này, vẫn “không buông tha” và sẽ tiếp tục từng bước “biến Biển Đông thành ao nhà riêng”, bất chấp luật pháp quốc tế.

“Cái điều mà chúng ta cần chú ý là cái Biển Đông gắn liền với mưu đồ “một vành đai, một con đường” để đưa mối quan hệ của Trung Quốc, để tràn xuống chiếm lấy biển Đông, vươn ra Ấn Độ Dương, vươn xa hơn sang Trung Đông. Đấy là “một vành đai, một con đường”. Họ sẽ không từ bỏ điều này, vì họ coi “một vành đai, một con đường” là mơ ước, lý tưởng của họ, để làm bá chủ thế giới. Cho nên, họ sẽ tìm mọi cách để gây ra cái gọi là những khó khăn trong khu vực, rồi mua chuộc các nước khác nhau.”

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những hành động cứng rắn, đẩy căng thẳng trên Biên Đông lên cao, khiến cho quan hệ Việt – Trung cũng có nhiều phen “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Tuy nhiên, hai nước cộng sản này vẫn giữ mối quan hệ khăng khít. Mọi mâu thuẫn luôn được kiểm soát, không bộc lộ rõ ra bên ngoài và không đi quá giới hạn.

Theo nhà văn Nguyên Bình, mối quan hệ Việt – Trung vẫn tiếp tục như hiện nay thì sẽ là tồi tệ, tác động đối với không chỉ sự phát triển của Việt Nam, mà còn cho cả triển vọng dân chủ hóa đất nước. Đối với Trung Quốc, một nước Việt Nam mà dân chủ hóa thì sẽ rất khó khăn cho họ trong việc chi phối.

“Ngay như là Cambodia đã có chuyển biến, tức là đa đảng, nhưng đảng của ông Hunsen vẫn nắm quyền thống trị đất nước. Việt Nam đã không được đa đảng như Cambodia, lại cứ cố giữ độc quyền lãnh đạo của đảng, thì làm sao dân chủ hóa được. Mà lệ thuộc vào Trung Quốc, thì Trung Quốc muôn năm lúc nào cũng muốn là không có dân chủ hóa của Việt Nam. Nếu có dân chủ hóa ở Việt Nam thì tức là Việt Nam có sức mạnh, mà có sức mạnh thì Trung Quốc không chịu rồi.”

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhắc lại lời phát ngôn mang tính cảnh báo, than phiền về mối quan hệ với Trung Quốc của Thiếu tương Trương Long Giang từng được phát tán trên internet thời gian trước và những dự án kém hiệu quả liên quan đến Trung Quốc tại Việt Nam.

“Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục như ngày xưa: “Thiên triều muôn năm!”, “Tập hoàng đế muôn năm!” thì đấy là bi kịch của Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh càng đổ xô vào đấy, anh càng mất mặt, mất uy tín và sai lầm, làm tôi mọi cho Trung Quốc. Thì đấy là mối quan hệ với Trung Quốc.”

Trong nhiều năm qua, nhiều học giả, trí thức đặt ra vấn đề “thoát Trung”, mà căn bản trong đó là thoát về sự ảnh hưởng chính trị, sự lệ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc. Nhưng cốt lõi của vấn đề hiện nằm trong tay các lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam – bị nhiều người đánh giá là thân Trung Quốc.

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>