Sunday, March 6, 2016

Ngày Quốc tế Phụ nữ ở Việt Nam

Hạ Vũ, thông tín viên RFA
Pic
Ngày Quốc tế Phụ nữ hay còn gọi là “Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế” được Liên Hiệp Quốc chính thức hóa vào năm 1977. (ảnh minh họa)
Ngày Quốc tế Phụ nữ hay còn gọi là “Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế” được Liên Hiệp Quốc chính thức hóa vào năm 1977. Trong một thế kỷ qua, người phụ nữ đã giành được sự bình đẳng trước pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực và ở hầu hết các nước trên thế giới. Tuy thế, hiện nay phụ nữ vẫn không ngừng tranh đấu vì quyền bình đẳng với nam giới.
Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể đại diện cho phụ nữ Việt Nam nghĩ gì về và làm gì trong ngày kỷ niệm đặc biệt này là đề tài trên tạp chí phụ nữ kỳ này.
Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh của nữ công nhân dệt may Mỹ vào cuối thế kỷ 19, đòi tăng lương, giảm giờ làm, phản đối các chính sách bóc lột lao động nặng nề của giới chủ thời đó.
Có năm thì các lãnh đạo sẽ đi từng phòng nào có chị em thì tặng quà, có năm thì mít tinh.
- chị Toàn
Cuộc đấu tranh của họ, đã khích lệ cho phụ nữ trên toàn thế giới vùng lên đòi quyền lợi của mình. Để tiếp tục cuộc đấu tranh vẫn chưa đạt tới thắng lợi cuối cùng đó, hàng năm, trên thế giới, các tổ chức quốc tế hành động vì nữ quyền vẫn tổ chức các hoạt động đấu tranh cho quyền phụ nữ. Chủ đề của năm nay là “Pledge for Parity” – cam kết bình đẳng. Thông điệp được diễn giải rằng: Mỗi người – dù là nam hay nữ - có thể cam kết thực hiện những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Hoặc là có thể giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái đạt được tham vọng của họ hoặc là kêu gọi sự bình đẳng trong quyền lãnh đạo, tôn trọng và trân trọng sự khác biệt, hay xây dựng những chính sách, văn hóa nhằm hạn chế sự thiên vị trong công việc. Mỗi chúng ta đều có thể trở thành một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực riêng của mình và cam kết hành động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
Ở London (Anh), trong tuần lễ này diễn ra hoạt động Liên hoan Phụ nữ Thế giới (WOW – Women of the World Festival 2016); Ở Ontario (Canada) diễn ra sự kiện Các cô gái có thể bay! (Girls CAN Fly! A Celebration of women in aviation); ở Brisbane (Úc) diễn ra sự kiện cuộc chạy vui vì ngày Quốc tế Phụ nữ (International Women's Day Fun Run 2016)...
Các sự kiện này, dù được tổ chức bởi các tổ chức quốc tế hay các cơ quan chính phủ, đều thể hiện thông điệp hành động quốc tế của năm và nhằm một mục tiêu cụ thể mà quốc gia/thành phố/tổ chức đó muốn hướng tới. Thông thường, các sự kiện cũng thể hiện sự cam kết của đơn vị tổ chức trong việc thực hiện mục tiêu được nêu ra trong sự kiện kỷ niệm.
Người dân thông thường, nếu không có những quan tâm cụ thể về vấn đề giới, rất ít khi chú ý đến các sự kiện này và hoàn toàn không có hoạt động hưởng ứng. Nhiều người trong số họ còn cho rằng “hễ cứ nghe đâu đó kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, nghĩa là ở đó Phụ nữ vẫn chưa có quyền bình đẳng”.
Ở Việt Nam, để thực hiện"Cương lĩnh hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000" và Công ước CEDAW "Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” mà chính phủ đã cam kết tham gia; ngày 4 tháng 10 năm 1997, chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có quyết định số 822/TTG về việc phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, ban hành 11 mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000 nhằm cam kết trước thế giới Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
000_Hkg8355734.jpg
Đàn ông chọn hoa cho người thân của mình kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ. Ảnh chụp ngày 8 tháng 3 năm 2013 tại Hà Nội.
Khác với các nước khác, ngoài hội phụ nữ và các tổ chức hoạt động vì quyền phụ nữ, người dân Việt Nam thông thường, trong mọi công ty, nhà máy, gia đình, trường học... đều tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ. Các hoạt động không khác gì hội phụ nữ các cấp. Nghĩa là tổ chức diễn văn nghệ, ăn uống, hát Karaoke... Nam giới tặng hoa và nói những lời chúc tốt đẹp, chủ yếu là “xinh đẹp, được chồng yêu thương...” dành cho phụ nữ.
Chị Toàn, nhân viên một tổng công ty xây dựng nhà nước cho biết:
8/3 thì tùy. Có năm thì các lãnh đạo sẽ đi từng phòng nào có chị em thì tặng quà, có năm thì mít tinh. Chủ yếu là không mít tinh, sáng mùng 8 thì một đoàn lãnh đạo gồm Tổng giám đốc, các trưởng phòng... bắt đầu đi từng phòng một tặng hoa, phong bì rồi quà và chụp ảnh một chút. Trưởng phòng cũng mua hoa rồi tặng phong bì, chứ không quà. Mấy năm mới mít tinh một lần. Thi văn nghệ xong rồi tổ chức ăn uống. Nói chung là chị em cũng được ưu tiên. Ngoài ra, đến 8-3 còn được cho đi chơi. Được tiền rồi còn được đi chơi rồi đến ngày đó còn được tặng hoa…”
Hùng, một nam nhân viên đã nhiều năm làm việc trong các công ty do phụ nữ lãnh đạo, dưới quyền và bên cạnh rất nhiều đồng nghiệp nữ chia sẻ về suy nghĩ và cảm nhận của anh mỗi lần tổ chức “tiệc mừng” 8-3:
Thường thì mọi năm cứ đến ngày 8-3 em cũng thường tổ chức các chương trình, các sự kiện để kỷ niệm ngày phụ nữ cho các công ty mà em từng làm việc. Cảm giác thấy rất vui vì khích lệ được tinh thần không chỉ của các chị em mà các anh em nữa. Mỗi năm thì sẽ làm những việc khác nhau. Có năm thì nghĩ ra những hình thức trò chơi, có năm cũng chỉ gọi là ngồi quây quần lại rồi kể những câu chuyện vui và cùng cười với nhau thôi, rất đơn giản. Có những năm thì tổ chức quy mô hoành tráng hơn, phức tạp hơn thì thuê lại những địa điểm lớn, thường quy mô lớn hơn thì không khí được đẩy lên cao hơn, mức độ vui chơi cũng hoành tráng hơn”.
Hầu hết những người ủng hộ nữ quyền sẽ cảm thấy bị xúc phạm bởi những sự kiện được tổ chức nhân ngày quốc tế đấu tranh về quyền phụ nữ lại chỉ dừng lại ở việc ăn, chơi và việc nam giới “tặng” cho phụ nữ một cái gì đó như là "thành tựu quan trọng nhất” đối với phụ nữ hơn là cam kết chính trị, sự thông minh, lòng từ bi, hay tham vọng thay đổi thế giới... của họ. Họ sẽ cho rằng đây như là một cách làm giảm giá trị của người phụ nữ và là một cách lái sự quan tâm của phụ nữ nhiều hơn vào vẻ đẹp bề ngoài, sự hưởng thụ và việc được lòng nam giới hơn là kỹ năng, hành vi, cá tính và mối quan tâm đến xã hội của họ.
Thường thì mọi năm cứ đến ngày 8-3 em cũng thường tổ chức các chương trình, các sự kiện để kỷ niệm ngày phụ nữ cho các công ty mà em từng làm việc. Cảm giác thấy cũng rất vui vì khích lệ được tinh thần không chỉ của các chị em mà các anh em nữa.
- Hùng
Nếu chúng ta nhìn tổng thể đất nước từ cách tiếp cận của phương Tây, nghĩa là dựa vào những chỉ số; Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới. Tỷ lệ tử vong trẻ em và bà mẹ đã giảm mạnh; tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học, trung học và đại học của nam và nữ hiện đang cân bằng. Tỷ lệ nam giới có việc làm trong độ tuổi 25-64 là xấp xỉ ở mức 93,8% và con số này của phụ nữ là 87,8% . Ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong khu vực công cũng như trong các công ty tư nhân…
Tuy nhiên, nếu nhìn thực tế bằng con mắt của phương Đông, nghĩa là soi vào phía sau từng con số, thu nhập của phụ nữ mới chỉ bằng 75% thu nhập của nam giới nói chung và trong khu vực phi chính thức, phụ nữ chỉ kiếm được 50% so với thu nhập nam giới mặc dù giờ làm việc, trình độ học vấn và thâm niên tương đương nhau. Trong khi Luật Đất đai năm 2003 đã bắt buộc đưa tên của phụ nữ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần lớn Giấy chứng nhận vẫn không có tên của người phụ nữ. Bạo lực giới cũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng và đang gia tăng, cộng với tỷ lệ nam giới ngoại tình, đang trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến phụ nữ chủ động ly hôn ngày một gia tăng… Nhìn sâu hơn nữa vào việc phân công lao động trong việc nhà, việc chăm sóc con cái, đối nội – đối ngoại, tỷ lệ sinh con trai cao gần gấp đôi con gái và thảm trạng nạo phá thai ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ vị thành niên... mới thấy đất nước còn cách xa khái niệm “bình đẳng” hàng trăm năm ánh sáng.
Rõ ràng phụ nữ Việt vẫn còn thiếu rất nhiều sự lựa chọn về đời sống, thiếu cả những quyết định rõ ràng cho hiện tại và tương lai của mình. Ai cũng biết bình đẳng giới bản thân nó đã quan trọng, nhưng đồng thời nó còn là sự khôn ngoan về mặt kinh tế học đối với mỗi quốc gia.
Chỉ không hiểu vì sao, đến ngày 8-3 thì hầu như không người Việt Nam nào quên, không gia đình, cơ quan đoàn thể nào lại không tổ chức lễ kỷ niệm. Tuy nhiên việc “kỷ niệm” lại không giống ai, không hiểu nguyên do từ đâu dẫn đến cách thức tổ chức lạ lùng như vậy. Nên mới có bốn câu ca dao mà nghe nói rằng của ông “Tú Sót” tếu táo:
“Hôm nay mồng Tám tháng Ba
Tôi giặt hộ bà, chiếc áo của tôi
Hàng xóm cho một đĩa xôi
Tôi thương bà ốm tôi xơi hộ bà”
Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com.

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>