Tuesday, June 28, 2016

Nghiện ngập : Con đường phòng ngừa và chữa trị

PIC

Trọng Thành , RFI
Nghiện ngập là một lối sống liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Tiêu thụ các chất gây nghiện như ma túy, rượu hay thuốc lá, … là nguyên nhân của khoảng 100.000 trường hợp tử vong tại Pháp, trong đó có khoảng 40.000 trường hợp ung thư. Làm thế nào để đối phó lại tệ nạn này ? Ý thức được hiểm họa sâu rộng của các hình thức nghiện ngập khác nhau, Liên đoàn khoa học về nghiện của Pháp (FFA) vừa mới công bố một cuốn « Sách Trắng về tình trạng nghiện tại Pháp và các giải pháp ». 

Các xã hội hiện đại phát triển dồi dào hàng hóa phải đối mặt với các thói hư tật xấu ngày càng đa dạng. Nghiện ma túy các loại từ lâu đã trở thành đối tượng mà xã hội dân sự, giới chuyên môn cũng như các chính trị gia nhất loạt chỉ trích. Tuy  nhiên, cuộc chiến chống ma túy quyết liệt tại nhiều quốc gia kéo dài từ thập niên 60-70 của thế kỷ trước cho đến nay bất lực trong việc quét sạch « tệ nạn khủng khiếp » này.

Trong tháng 6 vừa qua, đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI tổ chức một số cuộc tọa đàm giữa các chuyên gia trong ngành nghiên cứu về nghiện, để soi tỏ một số khúc mắc trong lĩnh vực này.

Bác sĩ Anne Borne, phụ trách chuyên ngành nghiện học tại bệnh viện René Muret thuộc vùng Seine-Saint-Denis, ngoại ô Paris, chủ tịch mạng lưới RESPADD, bao gồm các cơ sở y tế phụ trách việc phòng ngừa nghiện ngập, có mặt trong buổi tọa đàm về « các tệ nạn nghiện » cho biết ý kiến của bà về việc, vì sao một người lại rơi vào trạng thái nghiện ngập :

« Trạng thái nghiện không đến với tất cả mọi người. Cần phải nói rằng, trạng thái phụ thuộc này chỉ đến khi có kết hợp giữa sự có mặt của các chất gây nghiện, như rượu, thuốc lá, cần sa, … một môi trường bất lợi và trên cơ sở một cá nhân có những điểm yếu hoặc về mặt di truyền, hoặc về mặt tâm lý, hay gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống, như tan vỡ tình cảm, mất công ăn việc làm. Chính sự kết hợp của các bất lợi kinh khủng này khiến cho một người rơi vào tình trạng tiêu thụ một cách không tỉnh táo và rồi chìm trong trạng thái nghiện. »

Theo nhà tâm thần học Marc Valleur, tác giả cuốn « Nỗi ham muốn bị mắc bệnh » (Désir malade), vừa ra mắt, tệ nạn nghiện ngập không chỉ liên quan đến ma túy. Nạn ma túy thực chất chỉ là một làn sóng trên mặt biển che khuất cả một cơn thủy triều mà xã hội tiêu thụ liên tục tạo ra với đủ loại hàng hóa kích thích ham muốn của mỗi người :

« Nghiện, theo ngành điều trị về nghiện chất (toxicomanie), đó là việc để cho các chất như heroin hay cocain trở thành trung tâm trong đời sống của một người, người đó cả đời chỉ tập trung vào chuyện tìm kiếm các chất ma túy này để thỏa mãn nhu cầu của mình, và quên đi tất cả các quan hệ tình cảm, xã hội,… Hiện nay, chúng ta biết rằng, người ta cũng có thể rơi vào tình trạng tương tự với các trò đánh bạc, với các mạng lưới trò trên mạng tin internet, hay với việc lai vãng các trang mạng mại dâm.

Nói một cách khác, cuối cùng, gần như tất cả những gì là đối tượng của tiêu thụ đều có thể trở thành các vật gây nghiện. Có thể là một mặt, xã hội chúng ta đã quá bôi đen các chất ma túy và mặt khác, chúng ta đã có thái độ khoan dung quá đáng đối với các mặt hàng tiêu thụ khác, như internet hay các trò chơi may rủi. Mà thật ra, tất cả những thứ đó cũng thuộc cùng một lĩnh vực với các chất ma túy. »

Xã hội tiêu thụ, tự thân nó là một xã hội phát triển phồn vinh, ở đó con người có quyền tự do lựa chọn, được hưởng những gì mà mình vẫn bị cấm đoán trước đó. Trở thành một « người tiêu thụ » là một chiến thắng vô cùng quan trọng trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, từ chỗ là một người chiến thắng, vượt qua được các rào cản và những cấm đoán đủ loại của xã hội, người tiêu thụ hiện đại lại có nguy cơ trở nên phụ thuộc vào chính những thứ mà mình tiêu thụ. Nhà tâm thần học Marc Valleur đặt câu hỏi : nghiện phải chăng chính là « căn bệnh » chủ yếu của thế kỷ XXI. Liên hiệp các hội trong lĩnh vực nghiện của Pháp, vừa ra Sách Trắng, cũng đưa ra nhận định : xã hội mà chúng ta đang sống hiện nay là « xã hội gây nghiện » (addictogène).

Theo bác sĩ Magali Bodon-Bruzel, phụ trách ban y tế - tâm lý vùng Fresnes, chuyên gia tư pháp tại Tòa án Paris,  nghiện chính là thời điểm mà người ta không còn tự do quyết định được các ứng xử của mình nữa. Nghiện trước hết là hành động gây hại cho chính mình, và tiếp theo đó đến người xung quanh, ở mức độ nặng nhẹ tùy theo.

Ranh giới mong manh giữa tự do, nghiện ngập và phạm pháp

Ranh giới giữa con đường tìm tự do, trạng thái nghiện ngập và phạm pháp thật mong manh. Nhà tâm thần và phân tâm học Coutanceau, Chủ tịch Liên đoàn Sức khỏe tâm trí Pháp lưu ý, nghiện không hẳn là một bệnh, nhưng là một ứng xử có tính bệnh lý, và cũng không nên đồng nhất triệt để hành vi của người nghiện với hành động gây hấn của một kẻ phạm pháp.

Trên một mặt khác, nhà tình dục học Catherine Solano, tác giả cuốn "Ba phần não chi phối đời sống tình dục" (Les trois cerveaux sexuels), khẳng định : Ám ảnh tình dục không hẳn là nghiện, mặc dù những ám ảnh này có thể kích thích nhu cầu tình dục ở một số người. Cần phân biệt trạng thái có những tưởng tượng tình dục thái quá nhưng bình thường, với trạng thái bệnh lý. Trạng thái huyễn tưởng tình dục có ở một người bình thường, nhà tình dục học giải thích, sở dĩ xuất hiện là do người đó không có được các điều kiện để thỏa mãn những nhu cầu tình dục thông thường của mình.

Tọa đàm giữa các chuyên gia trên đài RFI đặc biệt xoay quanh một số trường hợp phụ thuộc nặng nề vào các quan hệ tình dục. Nhân chứng dấu tên cho biết, anh có quan hệ tình dục hàng ngày với vợ và thậm chí nhiều lần trong ngày, và nếu như không có vợ, anh buộc phải tìm đến những người làm nghề bán dâm, và khi làm như vậy anh phải dấu vợ mình, vì sợ quan hệ gia đình đổ vỡ. Cảnh ngộ của những người như nhân chứng này không phải là hiếm.

Làm thế nào để giúp được người thanh niên kể trên và những người đồng cảnh thoát ra khỏi tình trạng phụ thuộc nặng nề này ? Tất cả các chuyên gia tâm thần và tâm lý có mặt đều nhất trí rằng, tất cả các phương pháp trị liệu chỉ có hiệu quả, khi có sự tham gia chủ động từ phía người bị rơi vào trạng thái nghiện.

Người nghiện là chủ thể của quá trình trị liệu

Nhà tâm thần và phân tâm học Coutanceau - Chủ tịch Liên đoàn Sức khỏe Tâm trí Pháp - khẳng định các nguyên tắc cơ bản của việc trị liệu các bệnh nghiện trong một nền dân chủ như sau :

« Trong tất cả các xã hội dân chủ, việc dùng thuốc trị bệnh phải được người bệnh chủ động chấp nhận với sự hiểu biết, cho dù đó có là một người phạm pháp bị kết án tù. Người trị liệu phải thuyết phục được người bệnh dùng thuốc. Theo các nguyên tắc đạo đức y học và theo luật pháp hiện hành, cho dù các nhà chính trị có nói gì đi chăng nữa, các bác sĩ cũng không có quyền cưỡng ép người bệnh phải dùng thuốc. Mặc dù, chuyện mặc cả trong lĩnh vực này là có thể xảy ra, ví dụ như để đánh đối việc chấp nhận dùng thuốc, người bệnh có thể được trả tự do. Tất nhiên là chúng ta ở trong một nền y học chỉ định, người bác sĩ phải là người tin tưởng vào phương pháp được lựa chọn còn bệnh nhân thì đón nhận vì cho rằng làm như thế là có ích. Việc dùng thuốc sẽ chỉ được áp dụng cho một thiểu số các bệnh nhân/tù nhân phạm tội bạo hành tình dục, đa số còn lại sẽ trải qua trị liệu mang tính tâm lý nhiều hơn. »

Một xã hội dân chủ coi người nghiện như là chủ nhân của các hành vi của chính họ. Điều trị y tế trong dân chủ và hiện đại trước hết nằm ở chỗ để cho người có hành vi bệnh hoạn những cơ hội để giãi bày, được lên tiếng.

Đối với người nghiện, riêng việc nói ra những ám ảnh cũng đã giảm nhẹ đáng kể áp lực bên trong. Nhà tình dục học Catherine Solano đề nghị một số điện thoại xanh để những người bị ám ảnh tình dục có nơi để giãi bày dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, dịch vụ điện thoại này dễ có cơ trở thành nơi nói chuyện dông dài, thay vì là một biện pháp trị liệu nghiêm chỉnh hay một cơ hội cảnh báo kịp thời.

Bác sĩ Magali Bozo-Bruzel, kiêm chuyên gia tư pháp tại tòa án Paris, cho rằng, để cho những người phạm các tội ác tình dục, có cơ hội để nói lên các động cơ thực sự đã thúc đẩy mình là cơ hội quan trọng bậc nhất trong quá trình trị liệu :

« Theo tôi, điều mà bác sĩ Coutanceau nói rất hay, một số bộ phận trên cơ thể phụ nữ có thể được những người có xu hướng bạo dâm đặc biệt chú ý đến. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn có một điểm quan trọng khác.

Cần phải nói thêm, tôi là bác sĩ, chuyên môn làm việc với các phạm nhân bạo dâm, bị kết những án tù rất nặng, vì phạm phải những tội nghiêm trọng, như cưỡng hiếp nhiều phụ nữ. Cần phải khẳng định rằng, điều khiến những người này bị kích thích, bên cạnh các bộ phận cơ thể phụ nữ mà họ gán cho các khoái cảm nhục dục, còn là các hành động hung bạo cũng được họ gắn với các khoái cảm nhục dục. Bạo hành tình dục phụ nữ khiến họ cảm thấy rất hưng phấn.

Khi chúng tôi làm trị liệu với những người này, một trong những điểm rất khó khăn và cũng là nơi thể hiện sự tiến triển của quá trình trị liệu, đó là khi mà họ chấp nhận rằng : « đúng thế ! ». Nói một cách sỗ sàng là, chính những cảm xúc như thế đã khiến họ «nhảy dựng lên», khiến họ hành hung người khác, săn đuổi người khác. »

Chữa nghiện bao gồm liệu pháp dùng thuốc và các biện pháp khác, như trị liệu nhóm, theo dõi tâm lý cá nhân, … tuy nhiên, một trị liệu chuẩn mực luôn đặt người bệnh ở vị trí trung tâm của quá trình, ở vị trí người đưa ra quyết định mục tiêu trị liệu cùng với các nhà điều trị. Bác sĩ Anne Borne cho biết ý kiến :

« Chăm sóc người bệnh một cách tổng thể chính là giúp cho người đó có thể đưa ra được quyết định. Quyết định thay đổi là hết sức quan trọng. Chúng ta có thể hỗ trợ người bệnh đi đến chỗ, đưa ra được quyết định. Khi quyết định đã được đưa ra, sẽ bắt đầu quá trình ngừng tiêu thụ. Mà, một số hành vi tiêu thụ rất khó được ngưng lại, nếu không có các hỗ trợ, các chiến lược trị liệu, bao gồm sự theo dõi y tế, kể cả về mặt thuốc men.

Với một người bệnh nghiện rượu, cần phải có một trị liệu tương thích. Nếu không, người bệnh có thể rơi vào « hội chứng cai », với các triệu chứng như chảy mồ hôi đột ngột, run rẩy, thậm chí co giật. Trong trường hợp này, cần phải có một điều trị bằng thuốc.

Đối với thuốc lá cũng tương tự. Hoặc, người đó có thể bỏ qua thuốc lá một khi đã quyết định, hoặc người đó không vượt qua nổi, vì cơ thể đòi hỏi mãnh liệt. Đối với những trường hợp như vậy, cần phải có các chiến lược trị liệu tương thích để hỗ trợ bệnh nhân.

Các chiến lược trị liệu có thể khác nhau, nhưng về tổng thế, chúng dựa trên một nguyên tắc chung. Đó là đi kèm người bệnh trên con đường thực hiện mục tiêu của chính người đó : giảm việc tiêu thụ, kiểm soát việc tiêu thụ hay từ bỏ hoàn toàn, với sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn và thuốc. »

Nền tảng của « trị liệu » : Tỉnh táo phê phán và trân trọng khát vọng ở người khác

Trong xã hội tiêu thụ hiện nay, chúng ta gặp phải sự đối chọi thường xuyên giữa hai thái độ, một bên khuyến khích tiêu thụ thật nhiều, còn bên kia, thì yêu cầu nên cẩn trọng, chừng mực. Sự đối lập này thể hiện ra rõ nhất trong các chương trình truyền hình hàng ngày, khi quảng cáo kích thích tiêu thụ, tiếp theo đó, người xem lại nhận được những lời khuyên phải chừng mực, theo khuyến cáo của INPES, Viện nghiên cứu Quốc gia về các biện pháp Ngăn ngừa nguy cơ và Giáo dục sức khỏe (Institut national de prévention et d'éducation pour la santé).

Thật ra trong lĩnh vực phòng ngừa và chữa trị các hình thức nghiện ngập khác nhau, không có giải pháp cây đũa thần nào giải quyết được tất cả mọi thứ. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần phải dạy cho lớp trẻ, ngay từ nhỏ, biết phân biệt và có thái độ phê phán tỉnh táo.

Gốc rễ của câu chuyện nghiện ngập có lẽ nằm ở « ham muốn ». Ham muốn tự thân nó không phải là điều xấu. Tuy nhiên, sự tích lũy và sử dụng liên tục các đối tượng giúp cho việc thỏa mãn tức thời các ham muốn dẫn đến chỗ hủy hoại động lực của ham muốn hay khát vọng. Tự tin là mình là người tự do vì liên tục thỏa mãn các ham muốn, nhưng rốt cục lại bị "mắc vào chiếc bẫy ham muốn của chính mình".

Isabelle Sorente, nhà vật lý học, tiểu thuyết gia, người viết tiểu luận, tác giả cuốn « Tình trạng nghiện bao trùm » (Addiction générale) vừa xuất bản, cho biết ý kiến của bà về một giải pháp cơ bản cho vấn đề hết sức nan giải này :

« Điều quan trọng là giữ được sự chuyển động của cuộc đời, không để mình bị cột chặt. Điều này đòi hỏi một nỗ lực, một sự tìm kiếm riêng. Theo tôi, mỗi người tìm một cách riêng cho mình, không có một cây đũa thần mầu nhiệm nào có thể giải quyết mọi chuyện. Chỉ có các trải nghiệm cá nhân, các phương thức riêng của bản thân được tạo ra để giải quyết các vấn đề tâm lý bên trong. Tôi cho rằng, con đường giải quyết cần thông qua cơ thể.

Cơ thể của mỗi người là nhà tư vấn hết sức thông minh về những gì làm bản thân khổ sở, về các ham muốn của bản thân. Ngay cả khi ta ở trong một cảnh ngộ khó khăn, một trạng thái khó chịu sẽ nói với bạn những thứ mà tư duy duy lý của bạn không hề cho bạn biết.

Tôi cho rằng, đó cũng là việc để cho cơ thể chúng ta vị trí mà nó cần phải có, với tư cách là người tư vấn đối với chúng ta. Theo tôi, chỉ ý thức và cảm xúc không thôi, không đủ để giải quyết được các vấn đề « Khát vọng » của con người. »

Đồng ý với ý kiến kể trên, nhà tâm thần học Marc Valleur bổ sung :

« Cơ thể và khoái cảm là những nơi mang lại cho tinh thần của chúng ta các cột mốc trên con đường tìm kiếm của chúng ta trong cuộc đời, về những gì cần tìm kiếm, nhưng không thể nào đạt đến. Không nên có ảo tưởng rằng, ta kết thúc được cuộc truy tìm khi tìm ra đúng vật tiêu thụ cần tìm.

Hạnh phúc không phải là một trạng thái, hạnh phúc không phải là sự thỏa mãn liên tục, không phải là sự tiêu thụ liên tục. Không phải là khi thả mình vào những khoái cảm ngọt ngào, không phải là thả sức quan hệ tình dục, mà ta có được hạnh phúc.

Hạnh phúc là một trạng thái tinh thần, trong quan hệ với thế giới, và trong mối quan hệ với người khác. Chính ở đó mà vấn đề « Khát vọng » của bản thân đặt ra vấn đề « Khát vọng » của người khác, của những người khác. Một quan hệ tình yêu hoàn toàn ngược lại với quan hệ sở hữu. Ta không « tiêu thụ » tình dục ở người yêu của mình, mà ta muốn người đó phát triển, muốn người đó trở nên độc lập, và trưởng thành một cách tốt nhất có thể được, vân vân và vân vân.

Chính trong mối quan hệ yêu đương này, sự ham muốn cái ham muốn của người kia, ham muốn của người yêu như một tấm gương phản chiếu chính ham muốn của bản thân ta, mà chúng ta có thể tìm thấy được chiếc chìa khóa để giải quyết vấn đề « tiêu thụ thái quá » mà xã hội đòi hỏi chúng ta.

Cần giáo dục sự tôn trọng người khác. Việc đôi khi đặt người khác trên bản thân mình, theo tôi, mang lại các ý nghĩa cho sự tồn tại của con người, trong xã hội thế tục, phi tôn giáo của chúng ta. Bởi vì khát vọng và ham muốn thực sự của tôi là hướng đến người khác. Mối quan hệ với Tha nhân như vậy không thể nào là mối quan hệ mang tính tiêu thụ. » 

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>