Thursday, September 14, 2017

Mở khu phố đèn đỏ: Nên hay không?

pic

Các cô gái người Thái đang đợi khách tại một quán bar ở thị trấn Sungai Kolok trên biên giới Thái Lan, Malaysia hôm 5/5/2004

RFA - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển được truyền thông Việt Nam hôm 12/9 dẫn lời nói rằng ở ba đặc khu kinh tế đang xây dựng phải đồng ý cho kinh doanh một số ngành nghề mà nơi khác không thể có, ví dụ kinh doanh sòng bạc, thậm chí phải có khu phố vui chơi "đèn xanh, đèn đỏ”.

Nên hay không?

"Con gái mà làm nghề này thì tất nhiên mình làm vỡ hại đến hạnh phúc gia đình người khác, ảnh hưởng đến nhiều cái nên không thích. Làm nghề này nó lây lan bệnh tật cho người chồng, người vợ nên người ta phản đối."

Đó là chia sẻ của một người phụ nữ hiện đang hành nghề mại dâm mà chúng tôi xin giấu tên. Chị cho biết bản thân chị chỉ đi làm vì miếng cơm manh áo chứ thực ra trong thâm tâm chị rất phản đối nghề này vì “gây ra nhiều tai họa cho xã hội”.

Khi chúng tôi hỏi vậy chị có muốn nghề mại dâm được hợp pháp hóa ở một số đặc khu kinh tế của đất nước hay không, chị nói:

“Không cấm thì để cho người ta làm loạn lên, bọn con gái nó đi vậy rồi đàn ông sinh bệnh ra cho mà chết à?”

Đặc khu kinh tế mà ông Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề cập đến chuyện mở phố đèn đỏ là khu Vân Đồn ở Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa và Phú Quốc ở Kiên Giang.

Hiện tại ở Việt Nam nghề mại dâm vẫn bị cho là vi phạm pháp luật và là nghề gây nhiều phản cảm trong một số đông dân chúng.

Chúng tôi trao đổi vấn đề mở khu phố đèn đỏ tại các đặc khu kinh tế với Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện làm việc tại Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Theo quan điểm cá nhân thì bà ủng hộ chuyện hợp pháp hóa nghề mại dâm tại các khu vực này, với điều kiện là Nhà nước phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ:

"Chúng ta cứ nhìn Thái Lan, một nước ngay cạnh chúng ta và cũng gần tương đồng với chúng ta. Người ta đã hợp pháp nghề đó và chung sống hòa bình, vui vẻ với nó, chả có vấn đề gì cả. Nếu học tập được kinh nghiệm quản lý như họ thì tôi ủng hộ.

Tại sao tôi lại ủng hộ? Là vì mình không thừa nhận nó và cứ giả vờ bịt mắt nhưng trên thực tế nó vẫn tồn tại. Hàng ngày sức sống của nó vẫn dai dẳng và mãnh liệt.

Thà rằng cứ cho phép rồi quản lý còn hơn cứ nhập nhằng thế này chả ai được lợi gì."

Đây không phải lần đầu tiên giới chức Việt Nam lên tiếng về chuyện “mở khu phố đèn đỏ” hay nói cách khác là hợp pháp hóa nghề mại dâm tại Việt Nam. Năm 2013, ông Nguyễn Xuân Anh lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng đã đưa ra một phát biểu gây nhiều tranh cãi. Ông nói rằng hình như phải có dịch vụ mại dâm thì khách du lịch mới tới và ông thừa nhận rằng: "Nói đến mại dâm là nó xuất hiện không chừa hang cùng, ngỏ hẻm nào cả."

Sau đó đến năm 2015, Phó chi cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM Lê Văn Quý tái đề xuất lập "phố nhạy cảm" để thuận lợi hơn trong quản lý nhà nước.

Từ Hà Nội, luật sư Nguyễn Ngọc Lan, thuộc đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nói rằng cá nhân bà không ủng hộ cũng không lên án việc hợp pháp hóa nghề mại dâm. Bà cho biết điều mà bà quan tâm nhất trong vấn đề này:

"Trước khi hợp pháp hóa hay thừa nhận, anh cần một lộ trình đầy đủ tức là anh phải chỉ rõ ra những kế hoạch, phương thức quản lý dịch vụ đó như thế nào. Và cách quản lý này phải được sự tham vấn của cộng đồng, phải mang tính khả thi, minh bạch và công khai. Sau đó mình mới tính xem vậy thì với điều kiện của mình có phù hợp để công nhận nó hay không."

Một phúc trình của Liên Hiệp Quốc năm 2012 về mại dâm tại khu vực Châu Á Thái Binh Dương khẳng định thay vì trừng phạt hay phân biệt đối xử thì luật lệ có thể hợp pháp hóa và giúp người hành nghề mãi dâm có được cuộc sống lành mạnh và tránh bị lây nhiễm HIV/AIDS hơn.

Chúng tôi đặt câu hỏi liệu Việt Nam có nên hợp pháp hóa mại dâm để kiểm soát HIV/AIDS với Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội. Bà cho rằng tỷ lệ HIV/AIDS không hẳn sẽ giảm xuống nếu nghề mại dâm trở thành hợp pháp, mà nó phụ thuộc vào việc quản lý nghề này như thế nào:

"Quản lý mại dâm phải như thế nào thì mới có những tác động tích cực tới HIV. Ở Thái Lan cũng có khu phố mại dâm đèn đỏ nhưng có một thời tỷ lệ HIV ở Thái rất nghiêm trọng. Nếu chúng ta quản lý mại dâm một cách chặt chẽ và cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và tăng cường nhận thức kiến thức cho người ta thì có thể sẽ có các tác động tích cực đến việc ngăn chặn các bệnh lây lan qua đường tình dục trong đó có bệnh HIV."

Khả thi?

Một số nước trên thế giới đã áp dụng mô hình hợp pháp hóa mại dâm một cách thành công chẳng hạn như Mỹ (bang Nevada), Thái Lan, và một số quốc gia trong liên minh châu Âu như Đức, Pháp, Hà Lan. Chúng tôi trò chuyện với anh Coen, là một công dân sinh ra và lớn lên tại Hà Lan. Anh nghĩ rằng Việt Nam nên hợp pháp hóa nghề mại dâm, mà không chỉ riêng Việt Nam, các nước khác cũng nên học theo Hà Lan trong lĩnh vực này để người dân được an toàn:

"Hà Lan luôn nỗ lực để mại dâm không trở thành một loại tội hình sự. Theo tôi, đó là thành công nhất Hà Lan đạt được trong vấn đề này. Theo tôi biết thì ở Hà Lan, gái mại dâm được đăng ký hành nghề, và được bác sĩ kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhìn chung tôi tự hào về luật pháp Hà Lan bởi vì chính phủ nơi đây tin rằng mọi cá nhân đủ thông minh và tỉnh táo khi đưa ra bất cứ quyết định nào dù là liên quan đến thuốc phiện, phá thai, hay mại dâm. Và chính phủ không cần can thiệp, họ chỉ đứng sang một bên và quan sát để đảm bảo rằng mọi việc diễn ra suôn sẻ."

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan nhận định rằng để Việt Nam thành công trong việc hợp pháp hóa nghề mại dâm như các nước khác không phải là chuyện dễ thực hiện, do các yếu tố văn hóa, đạo đức:

"Đặc biệt sẽ có một câu hỏi đặt ra là tại sao lại hợp pháp hóa ở đặc khu kinh tế. Những khu này có sự khác biệt gì? Việc xây dựng đặc khu này mọi người đều biết để phát triển kinh tế Việt Nam. Nhưng nếu đưa dịch vụ này vào nó sẽ quay trở lại câu chuyện về văn hóa Việt Nam. Sẽ còn rất lâu nữa người dân mới hiểu được dịch vụ mại dâm, nó tác động và đóng góp như thế nào đến nền kinh tế của đất nước. Trong khi đó, nó đẩy rất mạnh về khía cạnh văn hóa vì Việt Nam vẫn là một nước mang đậm văn hóa Á Đông"

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan nói rằng hiện tại “mại dâm” vẫn còn là hai từ rất nhạy cảm trong xã hội Việt Nam và những cô gái làm nghề này thường bị xem là những người tận đáy xã hội. Theo bà đây là một cản trở lớn để cả xã hội công nhận nghề mại dâm.

Khác quan điểm với Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, TS. Phạm Quỳnh Hương lại cho rằng việc hợp pháp hóa nghề này hoàn toàn khả thi trong điều kiện của Việt Nam. Bà giải thích rằng dù có thừa nhận hay không thì nghề này vẫn diễn ra hàng ngày trong mọi ngóc ngách của đời sống. Vả lại, việc hợp pháp hóa sẽ tạo điều kiện cho nghề này được quản lý và giám sát tốt hơn.

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>