Tuesday, July 11, 2017

Để kinh tế Việt Nam “dựa lưng” vào giới trung lưu

pic

Nông dân thu hoạch lúa trên đồng ruộng ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 2 tháng 10 năm 2008.
Lan Hương, phóng viên RFA
Tháng 6 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học quốc gia Hà Nội đã nói rằng nền kinh tế Việt Nam có thể “dựa lưng” vào tầng lớp trung lưu.

Tài sản vật chất và trí tuệ

Theo báo cáo nghiên cứu "Kết nối Đông Nam Á" công bố năm 2016 Ngân hàng HSBC khẳng định: Tầng lớp trung lưu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, có triển vọng tăng từ 12 triệu năm 2012 lên 33 triệu người vào năm 2020.

Giải thích về nguyên nhân nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu có thể dựa vào giới trung lưu, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nói rằng: cơ chế thị trường đã giúp người dân giải phóng các tài sản, vật chất lẫn phi vật chất, của cá nhân hoặc của gia đình, để thoát khỏi nghèo đói và trở thành thành viên của tầng lớp trung lưu. Chính cơ chế thị trường đã làm một bộ phận người dân trở nên giàu có hơn và làm xã hội phát triển. Điều này cho thấy một nền kinh tế dựa vào tầng lớp trung lưu đã đủ điều kiện để hình thành ở Việt Nam.

Nhận xét về điều này, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc cho rằng theo ông hiểu “dựa vào giới trung lưu” ở đây cũng có nghĩa là một nền kinh tế lấy kinh tế tư nhân làm chủ chốt, và bản thân ông đồng tình với quan điểm này:

“Tôi nghĩ rằng việc dựa vào kinh tế tư nhân để phát triển là điều đúng đắn và đó là quy luật của tất cả các nước. Bởi vì kinh tế tư nhân sẽ lập ra các doanh nghiệp đại diện cho dân tộc và họ sẽ thúc đẩy việc tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập và đóng góp tiền thuế để nuôi nhà nước. Đặc biệt ở những nơi đầu tư nước ngoài chưa đến được.”

Hội nghị Trung ương 5 Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua cũng cho thấy nhiều dấu hiệu thể hiện lãnh đạo Việt Nam có thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá cao hơn vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế đất nước.

Ngay sau Hội nghị, một cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 2000 ngàn đại biểu thuộc các doanh nghiệp, trong đó có 1500 người thuộc khối doanh nghiệp tư nhân đã diễn ra. Những dấu hiệu này được giới chuyên gia nhận định là dù muộn màng nhưng “có còn hơn không”.

Theo số liệu thống kê, tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế tư nhân luôn lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác và duy trì ổn định ở mức 39-40% từ năm 2003 -2015. Như vậy tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế Nhà nước hiện tại đã đứng sau kinh tế tư nhân mặc dù nhiều năm doanh nghiệp Nhà nước được đánh giá là nòng cốt của nền kinh tế.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, hiện tại số lượng người dân thuộc tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh nhưng một lo ngại được đặt ra là liệu có phải do tiêu chuẩn “trung lưu” của Việt Nam quá thấp. Bởi vì trong Báo cáo 2035: “Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới công bố năm 2016, đã đặt ra mục tiêu là năm 2035 trên nửa dân số Việt Nam dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Mục tiêu này được đặt ra trên cơ sở, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam phải đạt gần 22.200 USD, thì một nửa dân số Việt Nam mới được xếp vào hàng trung lưu. Thế nhưng, nếu so sánh thì mức thu nhập bình quân đầu người của tầng lớp trung lưu này lại chỉ bằng mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 và Malaysia năm 2013.

Còn chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Ngô Trí Long thì cho rằng nền kinh tế có thể dựa vào tầng lớp trung lưu hay không, không chỉ phụ thuộc vào tài sản hữu hình là vật chất mà giới trung lưu có, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tài sản vô hình là trí tuệ của họ:

“Nếu tài sản đó mà toàn là do tham nhũng, bất chính mà ra thì cũng chỉ là những thể loại làm hại đất nước. Nhưng nếu giới trung lưu đó mà có trí tuệ thì đất nước hoàn toàn có thể dựa vào. Trong điều kiện hiện nay, một tư tưởng chuyển biến mới nhất là Đảng và Nhà nước đã nhìn ra và coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng.”

Hiện tại vấn nạn tham nhũng là một trong những bất cập được dư luận quan tâm nhất trong xã hội Việt Nam. Những dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng mà ẩn sau là chia chác, tham ô hay những dinh cơ đồ sộ của quan chức đua nhau mọc lên trong khi cuộc sống của người dân còn nghèo khổ đã khiến nhiều người dần mất niềm tin vào một bộ phận giới lãnh đạo, mà theo quan điểm của Tiến sĩ Ngô Trí Long chính là một phần của giới trung lưu. Tổ chức Minh bạch Quốc tế đầu năm nay cũng xếp Việt Nam đứng thứ 2 trong châu Á về tham nhũng, chỉ sau Ấn Độ.

Đây cũng là quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành khi ông nêu ra một thực tế là tầng lớp trung lưu của Việt Nam mới chỉ tăng về lượng chứ chưa đảm bảo về chất. Theo chuyên gia kinh tế này, thu nhập tăng lên chưa chuyển hóa thành giáo dục, kỹ năng nghề nghiệp, lao động,…

Để giới trung lưu đóng góp cho kinh tế

Đáp lại câu hỏi của chúng tôi về giải pháp nào Nhà nước cần thực hiện để giới trung lưu của Việt Nam có thể trở thành điểm tựa thực sự cho nền kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng mấu chốt là những chính sách của Nhà nước một khi “đã nói” là “phải làm”:

“ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra là xây dựng một nhà nước kiến tạo, một chính phủ liêm chính, trong sạch và trọng dụng nhân tài, bổ nhiệm người tài chứ không bổ nhiệm người nhà. Tuy nhiên những điều ấy có thể được thực hiện đến đâu thì cho đến nay người ta thấy rằng vẫn chưa đi vào cuộc sống được nhiều. Trong cuộc gặp gỡ với giới doanh nhân vừa qua, họ đều nói rằng hoan nghênh ý kiến của Thủ tướng nhưng họ cũng nói rằng cần phải đẩy mạnh việc thực hiện những điều đó.”

Tiến sĩ Ngô Trí Long lại nêu bật vai trò của các chính sách đảm bảo sự minh bạch, công bằng, bình đẳng:

“ Trong giới trung lưu đó, với từng loại đối tượng ông phải khai thác, phải có cơ chế làm sao để phát huy được tiềm năng, trí tuệ của họ, trong từng lĩnh vực như thế nào. Về lý thuyết thì rất dễ nói như vậy, nhưng khi làm điều quan trọng nhất là phải tránh được lợi ích nhóm, sân sau, thiếu minh bạch, không công bằng, thiếu bình đẳng.”

Ngoài việc tạo môi trường lành mạnh để tầng lớp trung lưu phát triển, người đứng đầu viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách lại cho rằng Việt Nam cần có những chính sách nuôi dưỡng tầng lớp trung lưu từ việc cải thiện chăm sóc y tế, đến nâng cấp cơ sở hạ tầng, giáo dục, xử lý chênh lệch thu nhập và phải tạo cơ hội cho họ có tiếng nói trong xã hội.

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>