Tuesday, June 20, 2017

Nghị định “quy định chụp ảnh chủ thuê bao điện thoại” vi hiến?

pic

Gian hàng của công ty điện thoại di động Vinaphone tại một hội chợ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông tại Hà Nội ngày 22 tháng 7 năm 2016.
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nghị định Chính phủ số 49 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 24/4/2017, quy định bổ sung ảnh chụp chân dung chủ thuê bao di động, gặp phải sự than phiền cũng như phản đối của cả doanh nghiệp và khách hàng.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, bà Lê Thị Mơ cho biết Nghị định số 49/2017 được ban hành nhằm mục đích bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội tại Việt Nam.

Bà Lê Thị Mơ cho biết thêm tính đến đầu năm 2016, trong tổng số 120 triệu thuê bao di động thì hơn 80 triệu có thông tin sai lệch. Do đó, nhằm hướng tới cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và chính chủ, Nghị định 49/2017 yêu cầu bổ sung ảnh chụp chủ thuê bao di động để làm bằng chứng xác thực nhất đảm bảo đúng người, đúng thời gian ký kết và thực hiện hợp đồng viễn liên, tránh tình trạng giả mạo giấy tờ khi đăng ký thuê bao di động.

Đại diện Cục Viễn thông, bà Lê Thị Mơ cũng nhấn mạnh công tác quản lý thông tin thuê bao nghiêm ngặt được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Bà Mơ viện dẫn một số quốc gia dưới sức ép chống khống bố như Thái Lan, Ấn Độ… áp dụng biện pháp nhận diện vân tay của chủ đăng ký thuê bao. Tuy nhiên Ban soạn thảo Nghị định 49/2017 của Việt Nam không lựa chọn hình thức lấy vân tay vì sẽ phức tạp hơn nhiều so với việc chụp ảnh. Ban soạn thảo cho rằng việc chụp ảnh là hoàn toàn khả thi đối với doanh nghiệp vì thủ tục dễ dàng và nhanh gọn.

Mặc dù vậy, trong thực tiễn thực thi Nghị định số 49, ba doanh nghiệp Vinaphone, MobilFone và Viettel, là các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn liên tại Việt Nam, lên tiếng gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại kể từ khi Nghị định này có hiệu lực hồi ngày 24 tháng Tư.

Các nhà mạng Vinaphone, MobilFone và Viettel nêu ra khó khăn đầu tiên là nguồn vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng cho các thiết bị chụp ảnh và lưu trữ dữ liệu. Không những vậy, về mặt thời gian được yêu cầu trong Nghị định 49 là các nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới thì không thể nào hoàn tất được. Bên cạnh đó, việc thông báo, giải thích và thuyết phục khách hàng chụp ảnh không phải là điều đơn giản.

“Đầu tiên muốn đăng ký số là đăng ký bằng giấy Chứng minh Nhân dân rồi. Tôi đã trình giấy Chứng minh Nhân dân của tôi mà còn phải chụp hình của tôi nữa. Thực sự hình ảnh của người ta không muốn bị lộ ra. Nếu bây giờ bắt tôi phải làm điều đó thì có lẽ tôi sẽ phản đối.”

Ý kiến chia sẻ với RFA vừa rồi của một chủ thuê bao di động không muốn nêu tên, ở Sài Gòn cũng là phản ảnh của rất nhiều chủ thuê bao di động hiện thời tại Việt Nam. Họ cho rằng giấy Chứng minh nhân dân cung cấp đủ hình ảnh dấu vân tay lẫn thông tin cá nhân của khách hàng khi ký hợp đồng thuê bao di động.

Đại biểu Quốc hội, đại diện Cử tri đoàn Bến Tre, ông Lưu Bình Nhưỡng, nói với Báo điện tử vov.vn, thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam vào hôm 19/6 rằng đây là việc làm lãng phí tiền của xã hội và Nghị định 49 có phải vượt trên các quy định của pháp luật hay không?

Chúng tôi nêu vấn đề của Đại biểu Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng đặt ra với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, khẳng định việc chụp ảnh theo quy định trong Nghị định 49/2017 là vi hiến.

“Hiến pháp quy định những hình ảnh đó thuộc về bí mật gia đình và bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm. Cho nên việc sử dụng hình ảnh người khác thì phải xin phép họ và phải được sự đồng ý của người đó. Do đó, theo tôi nghĩ, Nghị định này cần phải được xem lại vì nếu thực hiện là vi hiến.”

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận qua tiếp xúc với một số chủ thuê bao di động khắp các tỉnh thành của Việt Nam, họ cho biết mặc dù giới luật sư trong nước lên tiếng Nghị định 49 là vi hiến nhưng họ sẽ không có lựa chọn nào khác hơn phải tuân thủ nếu Chính phủ vẫn thực thi Nghị định này.

Bạn trẻ Khúc Thừa Sơn, ở Đà Nẵng vừa đăng ký một sim điện thoại mới cách nay vài ngày cho biết buộc phải làm theo các yêu cầu của nhà mạng:

“Nhà mạng ở đây là những trung tâm di động không cho phép người tiêu dùng là người dân chọn lựa các sản phẩm khác nhau vì hầu hết mạng Viettel, MobilFone và Vinaphone hay một số những nhà mạng khác cũng do nhà nước quản lý cho nên họ chấp hành hết mọi yêu cầu của nhà nước đặt ra. Vì thế, người tiêu dùng muốn có chọn lựa khác bị khó và đành chấp nhận theo.”

Thế nhưng, không chỉ bạn Sơn mà các chủ thuê bao di động sử dụng dịch vụ viễn liên với sự lo ngại hình ảnh của mình bị dùng vào mục đích xấu và ai sẽ chịu trách nhiệm?

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, bà Lê Thị Mơ trả lời thắc mắc của các củ thuê bao di động trong việc đảm bảo an toàn và bí mật thông tin thuê bao, trong đó có ảnh chụp theo Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định Chính phủ số 174/2013 và số 49/2017 thì doanh nghiệp viễn thông nếu tiết lộ hay trao đổi, mua bán thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt từ 30 đến 70 triệu đồng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Truyền thông trong nước cũng đăng tin dựa theo số liệu thống thống kê của Cục Viễn thông có khoảng 119 triệu thuê bao dị động sẽ bị cắt nếu như chủ thuê bao không thực hiện bổ sung ảnh chân dung theo yêu cầu của Nghị định 49/2017.

Đài RFA cũng thăm dò ý kiến của một số thính giả là các chủ thuê bao di động đã nhiều năm và được cho biết họ sẽ không thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ vì đây là một nghị định vi hiến với chọn lựa sẽ sử dụng các sim khuyến mãi dù rất bất tiện cùng lời cảnh báo rằng Chính phủ sẽ càng khó khăn hơn trong việc quản lý những số điện thoại không đăng ký thuê bao.

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>