Wednesday, April 12, 2017

Nỗi sợ hãi của 3 gia đình vượt biên lần hai

pic

Những đứa trẻ theo cha mẹ vượt biên hiện đang ở Trung tâm Giam giữ Nhập cư tại Indonesia.
Hòa Ái, phóng viên RFA
Kể từ ngày mùng 2 Tết Âm lịch Đinh Dậu, 3 gia đình ở Bình Thuận quyết định vượt biên lần thứ hai và hiện đang ở Trung tâm Giam giữ Nhập cư tại Indonesia. Cuộc hành trình định mệnh của họ đến nay như thế nào?

Chuyến vượt biên định mệnh

Vào thời điểm tết đoàn viên năm Đinh Dậu theo phong tục của người Việt, 3 người phụ nữ, ở Bình Thuận, đang chịu án tù vì vượt biên sang Úc hồi năm 2015 lại quyết định lên tàu một lần nữa cùng 15 người khác, trong đó có 12 trẻ em với quyết tâm thà chết trên biển chứ không hồi hương.

Chuyến vượt biên lần thứ nhì của ba gia đình phụ nữ Trần Thị Lụa, Trần Thị Thanh Loan và Nguyễn Thị Phúc bị cảnh sát Indonesia bắt giữ tại bờ biển Java vào hôm mùng 9 tháng 2 do tàu đâm phải đá ngầm và bị đắm.

Bắt đầu trao đổi với chúng tôi sau khi nhóm 18 người được phỏng vấn lần hai với Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc và được chuyển đến Trung tâm Giam giữ Nhập cư (Immigration Detention Centre) ở thủ đô Jakarta, bà Lụa cho biết:

“Bây giờ họ nhốt trong một căn phòng giống như tạm giam. Họ khóa cửa lại, không cho ra ngoài. Họ nhốt 18 người, ngăn ra đàn ông ở một bên và phụ nữ cùng trẻ em ở một bên. Đến giờ cơm thì họ mở cửa ra và đưa cơm vào. Sau đó họ đóng cửa lại. Ở đây tụi em cũng thiếu thốn như không có gối nằm hay mền đắp. Hàng đêm tụi em lấy quần áo trùm lại ngủ.”

Nói chuyện trực tiếp với RFA qua điện thoại, bà Lụa kể về diễn tiến của chuyến vượt biên lần thứ nhì và cũng là chuyến vượt biên cuối cùng trong cuộc đời của mình. Bà Lụa nhớ lại sau khi bị cảnh sát Indonesia bắt giữ, đã xin được liên lạc với cô Ngọc Nhi Nguyễn nhờ thông dịch.

Qua cuộc nói chuyện có thông dịch thể theo yêu cầu, nhóm 18 người khẩn thiết xin Chính phủ Indonesia đừng trả về Việt Nam. Tuy nhiên đại diện Giới chức Di trú Indonesia nói rằng không thể dùng tiền thuế của dân để nuôi họ. Cô Ngọc Nhi Nguyễn cam kết với chính quyền Indonesia sẽ cung cấp tài chính giúp đỡ nhóm người 18 người cho đến khi được gặp Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc. Và nữ ký giả Shira Sebban đã sử dụng số tiền gây quỹ giúp cho họ chỗ ăn ở trong thời gian 5 ngày, đúng như lời chia sẻ của bà Shira Sebban nói với RFA hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Sau vài ngày ăn ở tại khách sạn, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đến đưa nhóm 18 người về một căn nhà thuộc Bộ Di trú của Indonesia và Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) lo chi phí ăn ở cho họ.

Ở đây được vài ngày, ông Nguyễn Long cùng người cháu trai tên Trần Ngọc Tuấn được chở lên Bộ Di trú. Bà Lụa kể lại cuộc trao đổi diễn ra tại đây:

“Họ đưa một người Việt Nam, nói rằng ‘Tôi là người thông dịch Việt Nam’. Anh đó nói với Nguyễn Long là chồng em như vầy ‘Nếu các anh ở đây có khó khăn gì thì các anh đi về lại Việt Nam, mua chiếc thuyền khác đi tiếp’. Chồng em, Nguyễn Long mới nói ‘Đi về Việt Nam để ở tù à?” Anh ta nói lại ‘Ở tù 3 năm chớ bấy nhiêu’. Sau đó anh Long nói rằng ‘Vậy anh đi về ở tù giùm tôi. Cộng sản đưa vào tù đánh đập như thế nào mà ông biểu tôi đi về Việt Nam? Dù có chết thì tôi cũng chết tại đây, chứ tôi không về Việt Nam’. Sau đó ông không nói gì nữa và Bộ Di trú chở quay về lại nhà nghỉ”.

Được thuyết phục hồi hương

Hai tuần sau đó, một người Việt Nam khác, giới thiệu tên Trần Văn Tăng là người thông dịch tiếng Việt được cảnh sát Indonesia thuê và khẳng định sẽ dịch đúng sự thật lời của cảnh sát cũng như của nhóm 18 người Việt này:

“Anh Tăng nói ‘cách đây 2 tuần lễ, các anh chị có gặp Đại sứ quán Việt Nam tại Bộ Di trú phải không?’ Em nói ‘Không, chúng tôi không gặp Đại sứ quán Việt Nam nhưng chúng tôi có gặp một ông thông dịch’. Anh Tăng có nói là ‘Không phải đâu, anh đó là Đại sứ quán Việt Nam đi xuống khuyên nhóm chị nên trở về Việt Nam; nhưng các chị dứt khoát không chịu về. Bây giờ tôi cũng đến đây nói với mấy chị rằng nếu có khó khăn gì thì mấy chị trở về Việt Nam đi’. Em trả lời anh Tăng rằng ‘Anh nghĩ làm sao mà nói ra những lời nói đó như vậy?’”

Bà Lụa, bà Loan và bà Phúc tường thuật với cảnh sát Indonesia những gì xảy ra với họ khi vừa đáp chuyến bay từ Úc trở về theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Australia rằng sẽ không trừng phạt những người vượt biên cũng như sẽ tạo công ăn việc làm cho họ.

Bà Lụa nói qua người thông dịch với cảnh sát Indonesia là bà bị tống thẳng vào nhà giam ngay, nhốt 26 ngày, đánh đập lấy lời khai và sau đó được yêu cầu ký vào văn bản để được chở về nhà gặp chồng con. Bà Lụa nhắc lại những gì đã nói với người thông dịch tên Trần Văn Tăng vụ việc sau khi được chở về đến nhà:

“Tôi xin văn bản mà khi chị bên Xuất nhập cảnh đứng trên máy bay nói ‘Chính phủ Việt Nam đã hứa rồi thì không bao giờ thất lời hứa’, mà bây giờ bắt tôi ở tù như vậy, oan cho tôi nên tôi không ký’. Khi đó 4 công an vô lôi em đi từ ở nhà em ra đường 200 mét rồi quăng em lên xe chở tù nhân, chở đi luôn. Sau đó, đánh đập em hộc máu rồi em bị ngất xỉu và em được chở đến bệnh viện’. Em mới nói (với anh Tăng) ‘Tôi ở tù rồi mới biết bị đánh đập như thế nào’”.

Không những vậy, thời gian bà Lụa được ở nhà để điều trị bệnh, bà còn chịu cảnh bị bêu danh tại địa phương qua các phương tiện truyền thông:

“Bôi xấu, bôi nhọ em trên đài. Sáng thì 5 đến 7 giờ sáng. Buổi trưa từ 11 đến 12 giờ trưa. Còn buổi chiều từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối. Nhà trường nào nhận các đứa bé (vượt biên theo gia đình) đều nhận thông tin bôi nhọ hết. Thông tin đó cũng đưa đến trước cửa nhà thông báo là vượt biên trái phép, bao nhiêu năm tù. Sau đó là ra tòa.”

Tại tòa, bà Lụa lên tiếng phản bác tội bị cáo buộc, nói rằng Chính phủ Việt Nam không giữ lời hứa tạo công ăn việc làm và cho con cái học hành. Nhưng:

“Ông Bùi Thanh Trúc làm bên thanh tra, nói ‘Cho mấy bà chết luôn chớ làm gì mà làm. Con bà đi học thì làm được gì. Không học được gì hết. Đừng nên đi học nữa’. Ông nói ‘Bà nói chừng nào thì cho bà chết chừng đấy. Rồi lôi em đi luôn.”

Lo lắng cho tương lai

Trả lời câu hỏi người thân trong gia đình có gặp trở ngại nào kể từ khi khởi hành chuyến vượt biên lần thứ nhì hay không, bà Trần Thị Thanh Loan cho biết các em trong gia đình cứ bị đưa xe đến nhà chở đi mỗi khi công an cần điều tra và thông tin nhận được về chồng của bà là ông Hồ Trung Lợi đang thụ án tù 2 năm:

“Nhà em đi thăm anh Lợi thường thường một tháng chỉ thăm một lần vì mới có chuyến xe đi. Nhà em thăm lần cuối hơn 1 tháng nay. Lúc thăm, chồng em nói được thông báo cho biết mẹ con em đi vượt biên chìm ghe chết hết rồi và công an làm việc với anh Lợi đến mấy ngày để lấy lời khai điều tra. Nhưng thực tế chồng em không biết gì hết. Chồng em hay tin bị lên cơn sốc. Ảnh bị tai biến, bên mắt trái không thấy đường nữa. Em rất lo lắng cho chồng em vì đang gặp nhiều nguy hiểm trong trại.”

Bà Lụa nhận tin từ gia đình cho hay công an địa phương và cấp tỉnh đến nhà ba mẹ chồng đọc thông báo và bắt ký vào biên bản:

“Người nhà em nói như vầy ‘Họ sẽ mời tất cả khu phố, tuyên truyền cho dân làng và mọi người biết chị Trần Thị Lụa là có án tù 30 tháng và chị Trần Thị Thanh Loan 36 tháng tù. Khi nào đất nước nào trả về lại Việt Nam thì sẽ tăng án lên, chị Trần Thị Lụa lên từ 15 đến 20 năm tù, còn chị Thanh Loan cũng từ 15 đến 20 năm tù. Chị Nguyễn Thị Phúc phạm tội lần thứ hai, tuy rằng án treo nhưng án của chị Phúc từ 10 đến 15 năm tù. Anh Nguyễn Long, chồng của chị Lụa mới đi lần đầu tiên làm tài công thì phải 15 năm tù. Nguyễn Tài và Nguyễn Thị Kim Nhung đều 10 đến 15 năm tù. Những trẻ em từ 17 tuổi trở xuống, trừ các em nhỏ 5-6 tuổi, còn lại tống vào tù hết’.

Mẹ chồng em mới nói ‘Cho tôi một tờ giấy photo lại giống như nội dung viết trong tờ giấy này để cho tôi biết’. Công an tên Nhu nói rằng “Tôi đưa cho bà để bà đưa ra nước ngoài lên báo chí để cho các nước khỏi trả con bà về à? Không bao giờ chúng tôi đưa cho bà đâu’”.

Kết thúc cuộc trò chuyện với Đài Á Châu Tự Do vào dịp cuối tuần của đầu tháng 4, ba người phụ nữ quê Bình Thuận nói rằng sau cánh cửa sắt luôn đóng kín không biết ngày giờ thế nào giống như số phận người thân ở Việt Nam ra sao và chính 18 người họ, được Liên Hiệp Quốc chấp thuận cho “quy chế tị nạn” hay không, cũng như đến bao giờ mới được thông báo.

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>