Saturday, April 1, 2017

Chiếc áo dài Việt Nam qua những thăng trầm

pic

Thy Nga, RFA
Một cuộc triển lãm tại viện “Bảo tàng về chất liệu bông vải” ở San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ. Cuộc triển lãm mang chủ đề mà chúng tôi tạm dịch là “Áo dài: một chặng đường thời trang” do hội Viet Art (tại Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức với viện vừa nói.

Đây là lần đầu tiên, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam được giới thiệu ra thế giới với qui mô lớn như vậy. Nhân sự việc này, Thy Nga đã tìm tài liệu về trang phục dân tộc Việt qua các thời kỳ, và lồng với những ca khúc để gửi đến quý thính giả

Theo tài liệu của nghệ nhân Trịnh Bách, là người tham gia cuộc triển lãm cùng với ba nhà thiết kế thời trang từ trong nước, thì chưa ai khẳng định được là Áo dài có từ bao giờ.

Thuở xưa, với người Việt đàn ông cũng như đàn bà, cái áo dài là trang phục nền. Khi có lễ lạc thì phải khoác thêm áo lễ tay thụng. Áo này mang ảnh hưởng từ phương Bắc, do năm 1744 Chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong, khi xưng Vương, đã bắt quan dân Thuận Quảng phải mặc lễ phục lấy mẫu từ sách của nhà Minh bên Trung Quốc.

“Tà áo Văn Quân” Thanh Lan đang hát, kể lại sự tích Tư Mã Tương Như, nổi tiếng thơ hay đời nhà Hán, khi gặp gỡ Văn Quân …

Ngược dòng thời gian, Việt Nam vốn là nước nông nghiệp, phụ nữ mặc váy cho tiện việc đồng áng. Váy bằng vải nhuộm cho dày, hay đắp vá thêm lên cho bền. Thường thì cái váy đó dài đến bắp chân.

Những tà áo dài thiếu nữ Hà Nội xưa

Tới đầu thế kỷ 19, Vua Minh Mạng theo khuôn mẫu Trung Hoa, ra lệnh cho dân phải mặc như người Hoa, là mặc quần Khi đó, phụ nữ nông thôn Việt Nam đành thay váy bằng quần. Phần trên thì bên ngoài chiếc yếm bó chặt ngực, họ mặc áo cánh nhuộm bằng vỏ già cho ra màu nâu nâu. Nhà khá giả thì khi có hội hè, mới diện áo cánh bằng lụa tơ tằm.

Nữ giới quý tộc Việt Nam thì từ thế kỷ trước đó, đã đổi cách trang phục theo lối của người Hoa, là mặc quần và bên ngoài là cái áo dài.

Chiếc áo này như thế nào? Thy Nga hỏi chuyện một cụ bà đã tám mươi bảy tuổi, Cụ Minh cho biết là vải thời xưa bán theo vuông, khổ vải thì hẹp nên phải 4 vạt mới ráp thành áo, đó là cái áo tứ thân của phụ nữ ta.

“Áo tứ thân” do Ái Vân trình bày …

picVề quần của phụ nữ thời đó thì Cụ nói là may bằng vải chéo go, kiểu chân què. Nhà khá giả thì mặc quần lĩnh tía.

Trang phục của phụ nữ vùng thôn quê miền Bắc được nhà thơ Nguyễn Bính mô tả trong bài “Hương đồng gió nội” Song Ngọc phổ nhạc, và Duy Quang trình bày sau đây.

“Hương đồng gió nội” …

Cũng vì khổ vải hẹp thành ra tay áo phải may nối. Tay, cổ và thân áo sát người nhưng không chít eo, rồi vạt may rộng.

Chúng ta hãy nghe nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp miêu tả trang phục của cô gái con nhà khá giả trong bài thơ “Chùa Hương” Trần Văn Khê phổ nhạc, Thanh Lan trình bày như sau …

“Đi chùa Hương” …

pic

Hình ảnh cô gái ấy, theo như giai thoại về Nguyễn Nhược Pháp thì nhà thơ trẻ này lấy mẫu từ cô Đỗ thị Bính, một trong “Hà thành tứ mỹ” (bốn người đẹp của thành đô) là thiếu nữ mà ông thầm yêu. Hình ảnh mỹ nhân này, từ cái chân mày đến dáng điệu, người ta có thể thấy ẩn hiện qua những bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp.

Nghệ nhân Trịnh Bách ghi tiếp đến giữa thập niên 1930, phần đông phụ nữ mặc quần đen với áo dài. Riêng phụ nữ Huế thì chuộng quần trắng. Đặc biệt là giới thượng lưu ở Huế hay mặc loại quần chít ba, nghĩa là dọc hai bên mép ngoài quần được may với ba lần gấp để khi bước đi, quần sẽ xòe thêm.

Thập niên 1930 cũng là thời gian mà Nguyễn Nhược Pháp đem lòng yêu cô Bính trong nhóm nổi tiếng là “Hà thành tứ mỹ”. Các thiếu nữ này ở thủ đô Hà Nội đã mặc áo dài hai vạt, dài đến khoảng một gang trên mắt cá chân.

Các cô “tân thời” ấy lại thích có thêm cái khuyết phụ độ 3 centimét bên phải cổ áo để cài khuy lệch ra đấy. Như thế, cổ sẽ hở ra cho quyến rũ hơn và cũng để khoe chuỗi hạt nhiều vòng. Đó là thời điểm bắt đầu du nhập ảnh hưởng phương Tây dẫn đến sự cải cách trong mọi lãnh vực xã hội, mà thay đổi thấy rõ nhất là trong cách trang phục.

Bước sang thập niên 1930, nam thanh nữ tú Hà Nội bắt đầu thay đổi trang phục theo với ảnh hưởng Tây phương. Thoạt tiên là phái nam, từ chiếc áo dài, đàn ông theo Tây học hay thuộc gia đình khá giả chuyển sang mặc đồ Tây khi đến dự các lễ tiệc.

Cùng lúc ấy, vải phương Tây du nhập, với khổ vải rộng, ta không phải nối sống áo nữa. Và năm 1932 đánh dấu bước ngoặt về trang phục nữ giới. Người đem làn gió mới đến với chiếc áo dài, là một giáo sư dạy Vẽ. Ông Âu hoá chiếc áo dài, và do tên là Cát Tường nên ông đặt cho sản phẩm sáng chế, là áo “Le mur” tung ra năm 1936.

Được biết Cụ Minh Nguyễn là một trong những người đầu tiên mặc áo mẫu “Le mur”, Thy Nga hỏi chuyện Cụ.

Theo tài liệu của nghệ nhân Trịnh Bách thì nhiều kiểu được tung ra lắm. Nào là cổ áo hình trái tim, nào là gắn thêm cổ bẻ, gài nơ,… khuy áo thì có kiểu may dọc trên vai, và sườn bên phải.

Chiếc áo dài cách tân đến với các thiếu nữ thủ đô Hà Nội như thế. Trong khi đó, phụ nữ vùng quê miền Bắc vẫn mặc váy cho tiện việc ruộng đồng, chân đạp đất, đầu chít khăn vuông. Trong Nam thì phụ nữ ở các thôn làng mặc áo bà ba, quàng khăn rằn.

“Chiếc áo bà ba” nhạc bản của Trần Thiện Thanh, Hương Lan ca …

pic
Dưới làn áo dài thì từ năm 1934, các cô “tân thời” ở thành thị không mặc quần đen nữa, mà mặc quần trắng, đi guốc, đội nón hay quàng khăn “châle”. Nữ giới ở Huế thì vốn đã chuộng quần trắng, và đặc biệt là miền Trung có nón bài thơ

“Cố đô tôi nhớ” Phạm Mạnh Đạt phổ thơ Vũ Hối, Mai Thúy Hằng ca …

Trong khi đó thì phụ nữ ở các thành phố miền Nam ưa che dù. Đến khoảng năm 1950, áo dài được cắt ôm theo thân dáng. Cổ áo cao lên trong khi gấu thấp xuống.

“Tà áo xanh” nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn…

pic
Tà áo vờn bay trong gió thu, làm xao xuyến tâm hồn lãng mạn của chàng nhạc sĩ họ Đoàn.

Thế nhưng khi miền Bắc vào tay người cộng sản thì không còn bóng dáng chiếc áo dài vì họ cho rằng đó là thứ trang phục phong lưu, không thích hợp với lao động chân tay.

Trong Nam (gồm cả miền Trung) thì áo dài vẫn luôn được trân trọng với niềm tự hào dân tộc. Từ màu trắng học trò, màu áo đồng phục của các trường nữ, đến các màu sắc mà nhiều người yêu thích như tím, hồng, vàng,… và màu thiên thanh của nữ tiếp viên hàng không Air Vietnam một thời đã làm bao nhiêu chàng say đắm.

Người Saigon mặc cổ áo dài rất cao, quần thì ống rộng.

Năm 1960, chiếc áo dài lại được Âu hóa với kiểu “cổ thuyền” người đặt ra kiểu này là bà cố vấn Ngô đình Nhu.

Rối áo dài được may chít eo, nhiều khi rất bó. Lắm cô, lắm bà lại thích hàng nội hóa vì nó làm cho dáng người thêm thướt tha.

“Áo lụa Hà Đông” qua giọng hát Vũ Khanh …

picCuối thập niên 60 thì tới kiểu “áo dài mini” vạt áo hẹp và ngắn đến đầu gối cho trẻ trung. Không may chít eo, nhưng đường cắt vẫn lượn theo thân dáng. Cổ áo thấp, hoặc để hở. Tay áo cũng rộng ra.

Và điều đặc biệt là bắt đầu cắt vai áo theo lối Raglan, là tay áo được nối với thân từ chéo vai, nên ôm hơn.

Quần thì ống rất rộng, nhiều khi may bằng hai ba lớp Mousseline mỏng.

“Áo lụa Hà Đông”…

Sau tháng Tư 1975, chiếc áo dài ở trong Nam chịu chung số phận với ngoài Bắc, như Bạch Yến diễn tả qua ca khúc “Saigon ra đường” của Duyên Anh

“Saigon ra đường”…

Vậy là phải xếp lại, cất đi một nơi, để mãi tới thời “mở cửa” ra thế giới bên ngoài, tà áo dài mới lại được tung bay trong gió.

Ở hải ngoại, và sau này ở trong nước, có các buổi trình diễn thời trang với những kiểu áo dài tân kỳ, đa dạng. Hàng may có khi là khăn lụa đắt tiền ráp lại, có khi là vải dệt của các sắc dân thiểu số cho lạ mắt.

Trong các cuộc thi hoa hậu, chiếc áo dài Việt Nam đều được mọi người tán thưởng.

Khoảng bảy, tám năm nay thì có kiểu mặc quần cùng màu hoặc hợp màu với áo. Vạt áo lại dài, thật dài.

“Bầy bươm bướm trắng”… Lê Khắc Thanh Tuý phổ thơ Lê thị Hàn

Những tà áo nữ sinh tan trường, trông như đàn bướm vờn bay.


No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>