Sunday, April 23, 2017

Bầu cử Pháp: Bất ngờ từ ứng viên 39 tuổi

Cử tri Pháp đã hoàn tất bỏ phiếu bầu Tổng thống vòng 1 vào hôm Chủ Nhật (23/4) với kết quả gần như chắc chắn rằng 2 ứng viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen sẽ tiến vào vòng đối đầu, diễn ra vào ngày 7/5. Gây nhạc nhiên nhất của vòng bầu cử này là sự nổi lên mạnh mẽ của ứng viên trẻ Macron, 39 tuổi.

Ông Emmanuel Macron, sinh năm 1977, theo đường lối ôn hòa, ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) nổi lên mạnh mẽ trong bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1. Nếu đắc cử, ông Macron sẽ trở thành vị Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử hiện đại.

Còn bà Marine Le Pen là lãnh đạo phong trào dân túy cực hữu trở nên nổi tiếng từ năm ngoái sau khi các cuộc khủng hoảng và tấn công khủng bố khiến niềm tin vào EU và chủ nghĩa toàn cầu hóa bị lung lay. Bà tranh cử với đường lối “thoát Âu”, vận động Pháp bỏ khối đồng tiền chung euro, lấy lại nhiều quyền tự quyết quan trọng.

Theo các kết quả thẩm định sơ bộ cuả nhiều viện thăm dò dư luận, Emmanuel Macron đạt 23,7% và Marine Le Pen đạt 21,7% phiếu bầu.

Bất cứ ai trong hai người thắng cử ở vòng tiếp theo cũng sẽ đánh dấu thay đổi quan trọng đối với sự thống trị kéo dài hàng thập niên của các đảng phái cánh tả và trung hữu trong chính trường Pháp.

Nhân tố bất ngờ Emmanuel Macron

Trong khi các chính trị gia Pháp thủ cựu dường như bó tay trước sự nổi lên của bà Le Pen cùng nỗi lo hệ thống chính trị hiện hành và tương lai EU sẽ chịu chung số phận u ám nếu lãnh đạo cực hữu này đắc cử, thì sự xuất hiện của ứng viên “tuổi trẻ tài cao” Macron đã mang lại hy vọng cho những người ủng hộ EU.

Preview
Ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, bất ngờ dẫn đầu vòng 1 bầu cử Pháp

Emmanuel Macron, chưa đầy 40 tuổi, mới chỉ bước chân vào chính trường 5 năm, từng được coi là con cưng của hệ thống cầm quyền nhưng lại tự cho mình là người “chống hệ thống hiện hành”. Ông ngày càng cuốn hút cử tri Pháp với phong cách chính trị “không tả cũng chẳng hữu của mình”.

Trong khi bà Le Pen, con gái của một nhà chính trị kỳ cựu được dự đoán chắc chắn sẽ qua vòng 1. Trường hợp của ông Emmanuel Macron thực sự khiến giới quan sát bất ngờ khi đang nhanh chóng vươn lên dẫn đầu cuộc đua vào Điện Elysée.

Ông Macron nói với những người ủng hộ rằng: “Trong một năm, chúng ta đã và đang làm thay đổi bộ mặt đời sống chính trị Pháp” và kêu gọi mọi người hãy lên tiếng chống lại “dân tộc chủ nghĩa”.

Ông Macron sinh năm 1977 tại Amiens. Ông học triết học tại Đại học Paris-Nanterre, và sau đó tốt nghiệp tại École nationale d’administration vào năm 2004.  Ông từng giữa chức Bộ trưởng kinh tế (2014-2016) dưới thời Tổng thống Francois Hollande, nhưng sau đó từ chức và thành lập một đảng phái mới.

Ứng viên theo đường lối ôn hòa này chưa từng tham gia tranh cử. Nếu chiến thắng lần này, ông sẽ trở thành vị tổng thống trẻ nhất của Pháp.

Là người ủng hộ EU, ông Macron đã kêu gọi từng bước bãi bỏ quy định về nền kinh tế của Pháp và kế hoạch đầu tư công trị giá nhiều tỷ đô la.

Ông Macron được dồn sức ủng hộ

Ông Macron được nhiều người ưa thích trong vòng bỏ phiếu cuối cùng, và khi mà các ứng viên khác đều gặp khó khăn trong cuộc đua chống lại bà Le Pen, ông nhanh chóng nhận được sự ủng hộ cao.

Với khả năng nhận thất bại cao, ông François Fillon, người đang bị cáo buộc tham nhũng gây ảnh hưởng lớn đến lần tranh cử này, nói rằng “không có sự lựa chọn nào khác” và sẽ bỏ phiếu cho ông Macron.

Thông tin thăm dò cho thấy ông Fillon được khoảng 19% số phiếu bầu, tương tự như ứng viên Jean-Luc Mélenchon.  Ông này cho biết ông và đội ngũ của mình chưa “thừa nhận kết quả trên cơ sở các cuộc thăm dò”.

Ông Benoit Hamon, ứng cử viên của đảng Xã hội Chủ nghĩa của đương kim Tổng thống Hollande nói: “Tôi khuyến khích tất cả mọi người phải chiến đấu hết mình với phe cực hữu, cũng như Macron”.

Đức và các lãnh đạo EU cũng lên tiếng khen ngợi ông Macron và bày tỏ hy vọng vào ứng viên trẻ tuổi này.

Bà Le Pen gọi đây là kết quả “lịch sử”

Khi biết thông tin từ các cuộc thăm dò sau bầu cử, bà Le Pen đã tự gọi mình là “ứng cử viên của nhân dân”, và cho rằng “sự sống còn của nước Pháp” đang bị đe dọa.

Bà nói: “Bước đầu tiên … đã được thực hiện. Kết quả này là lịch sử”.

pic
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo phong trào cực hữu Pháp, ứng viên tiềm năng cho chức Tổng thống

Bà Le Pen lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia chống nhập cư và phản đối EU. Bà đã cố gắng mềm hóa các phát ngôn của đảng hơn và đem lại nhiều kết quả tốt trong các cuộc bầu cử địa phương trong năm 2015.

Bà đã thúc giục làm rõ quan hệ của Pháp với EU, kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, sau đó Pháp sẽ đàm phán lại với EU.

Bà Lê Pen cũng muốn hạn chế người nhập cư và đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo cực đoan.

Số người tham gia bầu cử trên toàn quốc gần tương tự như cuộc bầu cử cuối năm 2012, khoảng 80%. Gần 47 triệu người dân Pháp đủ điều kiện bỏ phiếu.

Trong bối cảnh nước Pháp vẫn quay cuồng với vụ xả súng vào xe cảnh sát trên đại lộ Champs Elysees vừa qua và nguy cơ khủng bố tăng cao. Giới chức nước này đã phải huy động gần 60.000 cảnh sát và binh lính thường trực trên khắp đất nước để bảo đảm an toàn bầu cử.

Tân Bình

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>