Thursday, April 6, 2017

Báo động công nhân Việt làm "chui" ở Hàn Quốc

pic

Người lao động Việt Nam xếp hàng lên máy bay về nước tại sân bay Seoul Gimpo, Hàn Quốc hôm 1/8/1998.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Chính phủ Hàn  Quốc báo cho chính phủ Việt Nam biết con số công nhân Việt không trở về mà nán lại để làm chui đang tăng cao đến mức báo động. Việt Nam cũng đã lên tiếng về thực trạng đáng tiếc này trong cuộc họp báo đầu tuần.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Hai 3 tháng Tư,  viên chức Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội  nói với báo chí rằng Hàn Quốc vừa công bố số liệu đáng báo động về công nhân Việt trốn ở lại để lao động bất hợp pháp  tại xứ này.

Ông Đặng Sỹ Dũng, phó cục trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước, cho biết tính đến hết tháng Mười  Hai 2016 thì tỷ lệ lao động bất hợp pháp người Việt Nam ở Hàn Quốc đã vượt 39%.  Nói một cách khác, trong tổng số 40.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc thì trên 39% nán lại để làm chui chứ không trở về nước sau khi đã hết hợp đồng. Đây là cảnh báo mới nhất mà Nam Hàn gởi đến cho Việt Nam .

Ngay sau cảnh báo này, Việt Nam công bố con số 58 quận huyện bị tạm dừng tuyển dụng lao động đi Hàn Quốc trong năm 2017. Đây là những quận huyện có nhiều người đi Hàn Quốc làm việc với số người ở lại đã lên quá cao.

Thực trạng công nhân bất hợp pháp Việt Nam ở Hàn Quốc, ông Đặng Sĩ Dũng nói tiếp, là điều gây nhức nhối đau đầu không ít cho cơ quan hữu trách hai nước.

Không có ý định ở luôn

Ở lại Hàn Quốc vẫn có người mướn, vẫn kiếm được thêm tiền bù  vào khoản nợ bỏ ra khi đi, còn về ngay thì chưa chắc đã có việc làm, là lý do khiến công nhân Việt cố nán lại Hàn Quốc sau khi đã hết hợp đồng:

Kiểu người ta hết hạn hợp đồng mà không muốn về chủ yếu là một vài năm cũng để được một số tiền, tiếp tục làm khi nào bị bắt thì về. Nghĩa là muốn kiếm tiền thêm một thời gian nữa thôi chứ không phải muốn ở lại Hàn vì Hàn tốt hơn Việt Nam đâu.

Đó là lời một chị công nhân đang làm việc ở Nam Hàn, không muốn tiết lộ tên. Về phần anh công nhân tên Thanh ở Nghệ An, nói rằng anh đi Hàn Quốc để tự xóa đói giảm nghèo cho mình và đã ở lại thêm 3 năm nữa để làm chui kiếm tiền trả nợ:

Giá cao vẫn thích đi, có người chỉ mất độ 50 triệu thôi nhưng có người mất đến ba bốn trăm triệu, chạy ngoài phức tạp lắm. Bọn tôi  từng bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam, nhưng mà họ theo nguyên tắc lắm chứ không đến nỗi đâu. Ví dụ họ bắt được thì họ gom đủ chuyến, đến đợt thì sẽ gởi về Việt Nam. Thậm chí có những người làm được 10 ngày, nửa tháng hoặc gần một tháng chưa lãnh được lương, công an còn dẫn vào tận nơi làm việc để lấy lương, sau đó mới đưa ra sân bay cho  mua vé về nước.

Anh Đông, quê ở Thái Bình, xác nhận đa số lao động khi đã đến làm việc ở Hàn Quốc đều rủ nhau ở lại như trường hợp của anh:

Đa số là người ta ở lại để kiếm thêm tiền chứ không có mấy người tự giác về đúng hợp đồng. Em thì sau khi hết hợp đồng 3 năm thì trước kia mình đi mình mất rất nhiều tiền môi giới rồi dẫn dắt sang bên kia, mất 200.000.000 Đồng thì nó rất lớn nên hết 3 năm thì coi như là ai cũng có ý tưởng là thôi cứ ở lại thời gian ngắn nữa để làm thêm. Kiếm thêm thu nhập khi về Việt Nam mình đỡ vất vả. Đồng tiền nó lôi kéo theo cuộc sống của mình, cho nên là cứ như thế và cứ thế mãi.

Từ năm 2004 Việt Nam và Hàn Quốc khởi sự thực hiện thỏa thuận hợp tác xuất khẩu lao động, đưa hàng chục ngàn người’ phần lớn từ vùng nông thôn ,sang làm việc trong các hãng xưởng hoặc trên các công trường xây dụng bên Hàn Quốc.

Đến năm 2012, Hàn Quốc loan báo ngưng lại thỏa thuận hợp tác xuất khẩu lao động với Việt Nam  do có quá nhiều người trốn ở lại , có nghĩa là trên 50% không trở về nước khi hết hợp đồng mà bỏ ra ngoài làm việc và trở thành công nhân bất hợp pháp. Sau những nỗ lực của Việt Nam khiến con số lao động không giấy tờ ở Hàn Quốc giảm xuống dưới mức 35%, Hàn Quốc đồng ý ký lại thỏa thuận với Việt Nam hồi tháng Năm năm 2016.

Nay với cảnh báo 16.000 lao động chui Việt Nam ở Hàn Quốc, phó cục trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước Đặng Sỹ Dũng nói rằng nếu không tìm cách khắc phục vấn đề này thì nhiều khả năng năm 2018 Việt Nam phải nâng số quận huyện bị cấm đưa người đi Hàn Quốc lên cao hơn, chưa kể có thể phải đối mặt với chuyện bị Hàn Quốc ngưng ký thỏa thuận nhận lao động như hồi năm 2012.

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>