Monday, March 20, 2017

UNICEF quan ngại vấn nạn trẻ em bị xâm hại tại Việt Nam

pic

Trẻ em vùng ngoại ô Hà Nội. Ảnh chụp hôm 12/2/2008.
Hòa Ái, phóng viên RFA
Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc-UNICEF vừa ra thông cáo về tệ trạng trẻ em bị xâm hại tình dục tại Việt Nam. Đồng thời, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) cũng vừa ra thông cáo kêu gọi Chính phủ cùng xã hội có hành động thiết thực giúp bảo vệ và ngăn ngừa vấn nạn trẻ em bị xâm hại tình dục. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cũng là thành viên của GBVNet dành cho RFA cuộc trao đổi ngắn liên quan thông tin vừa nêu.

Vấn nạn trẻ em bị xâm hại

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận định về 3 vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục ở Hà Nội, Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh mà dư luận đang đặc biệt quan tâm:

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: Bộ Công an đã công bố từ năm 2011 đến năm 2015, trung bình một năm ở Việt Nam phát hiện ra khỏang 1000 ca xâm hại tình dục trẻ em. Cho nên 3 trường hợp ở Vũng Tàu, Thủ Đức và Hà Nội là cái chóp trên một tảng băng chìm, là 1000 ca được phát hiện. Còn dưới nữa thì tất nhiên số ca xâm hại tình trục trẻ em chắc chắn sẽ nhiều hơn 1000 ca trong một năm vì có nhiều ca không được phát hiện hoặc người nhà hay nạn nhân không tố cáo, vì thế vẫn còn chìm trong im lặng nên nhiều người không biết.

Ba trường hợp ở Vũng Tàu, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi là do gia đình của các cháu phát hiện, tố cáo và muốn đòi lại công bằng cho các cháu cho nên mới tạo ra gọi là một làn sóng trong dư luận xã hội suốt 10 ngày vừa rồi.

Hòa Ái: GBVNet cũng có công bố một báo cáo của riêng họ cũng cho thấy tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục rất ở mức là nghiêm trọng. Là thành viên của tổ chức này, Tiến sĩ có thấy ngoại trừ tình trạng bị xâm hại tình dục, trẻ em bị những hình thức xâm hại khác cũng nghiêm trọng hay không?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: Ngoại trừ việc bị xâm hại tình dục,  trẻ em Việt Nam cũng còn bị nhiều dạng xâm hại khác. Chẳng hạn Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cũng có những nghiên cứu cho thấy trẻ em bị xâm hại về mặt thể chất, thể lý; ví dụ như về sức khỏe thì các em có thể bị người lớn hay các bạn cùng lứa tuổi đánh đập. Các em có thể bị xâm hại về mặt kinh tế, chẳng hạn bị bốc lột khi tham gia lao động sớm. Trẻ em cũng còn có thể bị xâm hại về mặt tình cảm, tinh thần khi quyền của các em không được tôn trọng như các em bị bỏ rơi hoặc bị đối xử không tốt về mặt tình cảm như cha mẹ hay người lớn hoặc thầy cô la mắng, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm. Việc xâm hại trẻ em khá là rộng, bao gồm rất nhiều thứ, trong đó có xâm hại tình dục.

Hòa Ái: Qua cuộc tòa đàm được tổ chức vào ngày 14/3 về ngăn chặn vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, có một vị nói rằng hiện Việt Nam có 15 cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em nhưng khi những trẻ nhỏ bị xâm hại thì không biết kêu cứu với ai. Tiến sĩ có nhận định như thế nào về hiệu quả hoạt động của 15 cơ quan, tổ chức này?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: Hiện nay nếu nói về các bên tham gia trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em thì có một số cơ quan của Chính phủ và bên cạnh đó có một số tổ chức, đoàn thể hoặc các hội thuộc về xã hội dân sự. Chẳng hạn cơ quan chính phủ thì có Cục Trẻ em, thuộc Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội; Bộ Giáo dục cũng có thể được coi là một cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em; Bộ Y tế…Còn các tổ chức, đoàn thể thì ví dụ như Hội Chăm sóc Bảo vệ Trẻ em hay Đội Thiếu niên…Tôi cho rằng chính vì nhận thức chưa đầy đủ về quyền của trẻ em cũng như nhận thức rất là thiếu cho nên sự né tránh về vấn đề tình dục và giới tính dẫn đến những tổ chức, cơ quan đó thật sự chưa nhận thức đầy đủ vai trò của mình, họ chưa hiểu là họ cần phải làm gì để thực sự bảo vệ trẻ em.

Tất nhiên không phải 15 tổ chức đó đều làm chưa tốt công việc của mình. Trong đó có một số cơ quan, tổ chức rất tích cực, nhưng có một số tổ chức khác chỉ mang tính chất phong trào nhiều hơn là chăm sóc trẻ em thật sự. Chẳng hạn như ngày Quốc tế Thiếu nhi-1/6, họ có một số phần quà cho các trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng để giáo dục cho trẻ em thật sự có kỹ năng sống hàng ngày để đối phó với xâm hại nói chung và xâm hại tình dục thì tôi sợ rằng không phải tất cả 15 tổ chức này đều làm tốt công việc của họ.

Kêu gọi hợp tác bảo vệ trẻ em

Hòa Ái: Hồi trung tuần tháng 3, GBVNet cũng có ra một thông cáo của Mạng lưới này kêu gọi chính phủ cũng như cộng đồng hãy cùng chung tay có những việc làm thiết thực để giúp bảo vệ cho trẻ em tại Việt Nam. Trong 1 tuần qua, Tiến sĩ có nhận thấy dấu hiệu hưởng ứng ra sao không?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: Ngày 13/3 thì Mạng lưới GBVNet đã ra một thông cáo đề cập đến vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam, đưa ra các số liệu thống kê và những kết quả nghiên cứu cho thấy đây là một vấn đề rất nghiêm trọng.

Trong thông cáo đó thì GBVNet, chúng tôi cũng kêu gọi Quốc hội, Chính phủ và toàn thể cộng đồng có những hành động thiết thực và nhanh chóng để giải quyết vấn đề này. Chẳng hạn, chúng tôi yêu cầu Quốc hội phải xem xét lại các quy định pháp lý để làm sao tăng cường sức mạnh của công cụ pháp lý để giúp cho những người thực thi pháp luật có thể nhanh chóng giải quyết các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Chúng tôi cũng yêu cầu Chính phủ cần có những hành động quyết liệt hơn nữa trong việc yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện các công việc điều tra và giải quyết các vụ xâm hại tình dục trẻ em nhanh chóng và hiệu quả. Và chúng tôi cũng kêu gọi các tổ chức xã hội khác cùng chung tay cung cấp các dịch vụ, trong đó kể cả việc giáo dục những kỹ năng sống và kiến thức về giới tính, tình dục cho trẻ em và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân…

Từ buổi tối 13/3 chúng tôi bắt đầu đưa thông cáo đó lên website và lên Facebook thì 4 ngày sau chúng tôi nhận được gần 30 ngàn người ký vào kiến nghị thư đó để gửi đến Quốc hội và Chính phủ. Thế thì, tôi nghĩ rằng trong một thời gian ngắn mà có đến gần 30 ngàn người ký, chứng tỏ sự quan tâm của xã hội là rất lớn, mọi người nhận thức vấn đề đó cấp thiết đến như thế nào. Và cũng trong thời gian đó, Chủ tịch nước, Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Vũng Tàu cũng như Công an Hà Nội, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng bắt tay vào giải quyết các vụ việc. Tôi cho rằng cả xã hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc rất nhanh trong 10 ngày qua.

Hòa Ái: Theo ghi nhận của Tiến sĩ về vai trò của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, tổ chức UNICEF tại Việt Nam, thì họ có những hỗ trợ hay hợp tác cụ thể nào trong việc giúp bảo vệ cũng như ngăn ngừa tệ trạng xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam mà được cho là ở mức báo động đỏ?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: Có thể nói UNICEF-Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cũng đã vào cuộc rất sớm. Trong nhiều năm họ cũng có các chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em Việt Nam. Họ có các dự án giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống. Mới gần đây, họ cũng đã có những nghiên cứu về vấn đề xâm hại trẻ em nói chung, trong đó có xâm hại tình dục trẻ em. Và những báo cáo đó họ cũng đã chia sẻ với các cơ quan của Chính phủ. Và UNICEF cũng thực sự đồng hành với chúng tôi, Mạng lưới GBVNet trong những hoạt động để dấy lên quan tâm của xã hội đối với vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian vừa qua.

Mới gần đây nhất, UNICEF cùng các cơ quan của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cùng ra một thông cáo bày tỏ sự quan ngại của Liên Hiệp Quốc, trong đó có UNICEF đối với vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em và đề nghị Chính phủ Việt Nam tăng cường những biện pháp để giải quyết tình trạng này.

Tôi nghĩ rằng UNICEF tại Việt Nam cũng đã rất tích cực nêu lên quan điểm của mình, hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam và cùng đồng hành với các tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam để lên tiếng, cảnh báo cũng như đề ra giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Hòa Ái: Cảm ơn Tiến sĩ Khuất Thu Hồng dành thời gian chia sẻ với Đài RFA.

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>