Sunday, March 12, 2017

Phá sản với cây chanh dây - Vì sao?

pic

Trái chanh dây (chanh leo).
Lan Hương, phóng viên RFA
Gần đây nông dân Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi tin tưởng, hi vọng vào chuyện bán nông sản cho các thương lái Trung Quốc.

Giấc mơ đổi đời

Thời gian gần đây, bà con nông dân khu vực Tây Nguyên không còn “mặn mà” với cây cà phê, một phần là do thời tiết khắc nghiệt, giá cả lên xuống thất thường, hơn nữa cà phê không mang lại cho họ nguồn thu nhập thực sự cao để thay đổi cuộc sống vùng đất đá khô cằn này. Vì vậy, mấy năm trở lại đây, người dân ở nhiều tỉnh thành như Gia Lai, Lâm Đồng, Đắc Nông phá cây cà phê vốn gắn bó nhiều năm với họ để đua nhau trồng cây chanh dây vì có tin đồn rằng cây chanh dây mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần hơn cây cà phê truyền thống.

Thời gian đầu, cây chanh dây quả thực mang lại lợi nhuận lớn hơn hẳn so với các cây công nghiệp khác, hơn nữa chi phí đầu tư thấp và thu lợi nhanh, nhen nhóm giấc mơ đổi đời của người nông dân. Có thời điểm giá chanh dây lên đến 52.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, siêu lợi nhuân không kéo dài được lâu thì người dân phải chịu nhiều rủi ro do cây chanh dây mang lại. Anh Đức, một người dân ở Gia Lai, hiện đang trồng 10 ha chanh dây, chia sẻ với chung tôi về những khó khăn gia đình anh phải đối mặt:

Năm ngoái do giá chanh lên cao quá, nông dân ai cũng thấy lợi nhuận nên đổ xô đi trồng chanh dây. Giống ở bên Đài Loan làm không kịp nên những người xấu lợi dụng thời cơ đó làm giống dởm, lấy giống từ Trung Quốc về bán. Người dân mua rất nhiều, trồng cây không lên được, có lên được cũng bị bệnh rất kinh khủng. Thiệt hại kinh tế rất nhiều.

Người dân muốn trồng chanh dây thì phải phá cà phê đi. Mà phá cà phê đi rồi, chanh lại không lên, thì mất trắng luôn.

Hiện nay phần lớn chanh leo của mình đi Trung Quốc là nhiều, hơn nữa Hoàng Anh Gia Lai trồng khoảng 1.500 ha chanh, mỗi lần chở ra Trung Quốc bán là 20 container, khoảng 400 tấn, như vậy giá chanh dây sẽ xuống.

Hiện tại huyện Mang Yang là địa bàn có diện tích chanh dây lớn nhất tỉnh Gia Lai, khoảng 500 ha. Tuy nhiên, đầu năm 2016, ông Phạm Ngọc Cơ Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang giải thích với báo giới rằng chanh dây chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc nên người nông dân phải gánh chịu những rủi ro về giá cả bấp bênh. Ngoài ra ông này cũng cảnh báo bà con rằng để đảm bảo sản lượng chanh người dân phải sử một lượng thuốc trừ sâu rất lớn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của đất và sức khỏe của chính người dân. Anh Đức cho chúng tôi biết thêm:

Chanh dây là loại cây ngắn ngày, nên sâu bệnh bị rất nhiều. Nên cứ một ngày người dân phải bơm thuốc trừ sâu một lần.

Ngoài những khó khăn về giống chanh dởm và sức khỏe bị ảnh hưởngvì thuốc trừ sâu, người dân còn phải đối mặt với chiêu trò ép giá của thương lái Trung Quốc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ban đầu giá chanh có thời điểm lên đến 52.000/kg khiến người dân phá cà phê, cao su để chạy theo cây chanh. Nhưng sau đó giá chanh giảm xuống rất nhiều, khiến đời sống người dân cũng bấp bênh theo. Anh Đức cũng thừa nhận:

Cách đây một tuần thương lái ép giá nhà vườn lại, có biết còn bao nhiêu tiền một ký không? Có 10 ngàn/ ký thôi. Bây giờ sau một tuần người dân không còn chanh mà bán, thời tiết lạnh chanh không đậu quả thì giá lên 24.000/kg.

Bây giờ thời tiết lại đang bị sương muối nên ra cái hoa nào là hư cái hoa đó hết, nên 2 tháng nữa giá chanh sẽ lại cao.

Thời tiết quyết định ra hoa, đậu quả, cho nên tụi Trung Quốc nó biết khi nào mình có hay không có chanh.

Lâm cảnh nợ nần

Chúng tôi cũng được biết có rất nhiều hộ nông dân không những chỉ phá hết những vườn cà phê lâu năm đi, mà còn dồn hết vốn liếng, thậm chí vay mượn thêm để trồng chanh dây, mong ngày bội thu. Nhưng trước những khó khăn này, ngày bội thu không thấy tới, mà chỉ thấy người dân lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. Chúng tôi liên lạc với ông Lê Văn Lịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai thì được cho biết:

Theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp, Chính phủ, tỉnh ủy là không phá cà phê, tiêu, cao su để trồng chanh dây. Có nhiều công văn, cuộc họp, thông báo rồi. Nhưng dân bây giờ họ thấy cái nào có lợi thì họ làm thôi.

Thị trường lớn nhất là Trung Quốc. Có lúc nó mua giá cao hơn, có lúc thấp hơn, thì cũng phải chấp nhận thị trường thôi chứ có cách nào khác đâu.

Chanh dây không phải là cây trồng duy nhất mang lại nhiều rủi ro cho người nông dân. Trước đó, bà con tỉnh Đồng Nai cũng bị một phen khốn đốn khi đầu tư vào cây chuối nhưng cây bị hư hỏng, ko ra trái hoặc nếu được thu hoạch thì cũng bị thương lái Trung Quốc ép giá và có giai đoạn ngừng mua. Ngay trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, nhiều người dân nuôi heo cũng bị phá sản, hoặc “mất Tết” vì tin tưởng vào thị trường Trung Quốc nên đổ xô vào nuôi heo. Nhưng khi Tết đến gần, giá heo bất ngờ giảm xuống còn rất thấp do Trung Quốc hạn chế mua. Người dân sau nhiều tháng vất vả chăm bẵm nuôi heo lớn, khi bán đi không đủ tiền cám, huống chi là lợi nhuận. Một người dân nuôi heo cho chúng tôi biết:

Nhiều nhà phá sản đó, chứ không chịu nổi đâu. Tại vì mình nuôi ít, chứ nếu trại lớn nó mà nằm 1 năm nữa là phá sản.

Người nông dân Việt Nam đã vô số lần phải “chịu đòn” của thương lái Trung Quốc nhưng tình trạng này vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Chúng tôi có trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, người chuyên nghiên cứu thị trường và giá cả của Bộ Công thương thì được biết:

Nông nghiệp nông dân chủ yếu là tự phát. Bản thân người nông dân thiếu kiến thức thị trường, họ hay làm theo phong trào nên họ gặp rất nhiều rủi ro khi thị trường đó không bền vững.

Liên quan đến vấn đề đó thì cũng có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Thứ nhất họ để cho việc tự phát của nông dẫn diễn ra khá la dài mà hiện nay chưa có biện pháp gì cả. Thứ hai bản thân Nhà nước cũng có trách nhiệm trong việc trang bị kiến thức cho người nông dân. Bởi vì người nông dân còn hạn chế về năng lực nên không thể tự tìm hiểu về thị trường nông nghiệp, và tính bền vững của thị trường. Vì vậy theo tôi Nhà nước phải có hỗ trợ người dân trong lĩnh vực này.

Ngoài ra ông Vũ Đình Ánh cũng đề cập đến vấn đề cả người nông dân và chính quyền các cấp cần xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại để ngành nông nghiệp có thể phát triển bền vững. Ông cũng nhấn mạnh tính bền vững ở đây là thị trường tiêu thụ, chi phí sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt là khắc phục tình trạng “được mùa mà mất giá” đang diễn ra không chỉ với các sản phẩm nhỏ lẻ, mà còn cả với các sản phẩm lớn mà Việt Nam đang xuất khẩu mạnh như gạo, cà phê.

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>