Friday, March 24, 2017

Nhạc sĩ Tuấn Khanh và chương trình văn nghệ yễm trợ nạn nhân Formosa

pic

Ly Hương
Những lời tâm tình của Nhạc Sĩ (NS) Tuấn Khanh, với phong thái bình dân, lối nói chuyện dí dõm, đã bị gián đoạn nhiều lần bởi các tràng pháo tay của đồng bào. Đông đảo đồng bào đến tham dự buổi văn nghệ được tổ chức tại Đền Thờ Quốc Tổ (ĐTQT) vào chiều tối Thứ Bảy 18/03/2017, không phải chỉ để thể hiện tinh thần hiệp thông, đồng hành với nạn nhân Formosa, nhưng đồng bào thật sự háo hức là vì muốn nghe những lời tâm tình của NS Tuấn Khanh, để biết sự suy nghĩ, nhận xét, những mối ưu tư cũng như những tin tức cập nhật về tình hình Việt Nam do chính một người từ trong nước nói ra.

Sau phần dâng hương cáo tổ, thay mặt cho BTC, ông Đặng Trung Chính ngỏ lời cám ơn CĐNVTD/VIC, Ban Quản Trị ĐTQT, các hội đoàn, đoàn thể, đồng bào và đặc biệt là NS Tuấn Khanh, một người đấu tranh cho nhân quyền và tự do, dân chủ - sự hiện diện của NS Tuấn Khanh là một món quà cho chúng ta. Ông Chính cho biết, theo thống kê của nhà cầm quyền CSVN thì có 276000 người dân bị ảnh hưởng trực tiếp do chất xã thải Formosa gây nên. So với sự tàn phá của môi trường thì con số bồi thường 500 triệu USD (được giới truyền thông loan tải) là một con số rất nhỏ. Có rất nhiều đồng bào không được bồi thương và gần một năm qua họ không có gì để sinh sống. Tổ chức Yễm Trợ Nhân Quyền (Human Rights Relief Foundation) đã làm việc trực tiếp với nạn nhân Formosa và đã thành lập 13 000 hồ sơ để kiện Formosa (tuy là một con số khiêm nhường nhưng thật đáng kể) và mỗi đơn nộp vào phải mất khoảng $200 USD. Nhưng vào ngày 14/02/2017 (Ngày Valentine), dưới sự hướng dẫn của cha Thục, khoảng 1000 giáo dân, trên đường đi vào Nghệ An để kiện Formosa, đã bị công an đánh đập tàn nhẫn. Do đó chúng ta cần phải làm một cái gì đó, đó là lý do của buổi họp mặt hôm nay để chia sẽ, kêu gọi sự đồng hành của đồng bào hải ngoại để những nạn nhân Formosa không cảm thấy cô đơn.

Như để trả lời cho ông Đặng Trung Chính, cô Như Hoàng (MC của buổi văn nghệ) cho biết kể từ khi thảm trạng môi trường do Formosa gây ra, CĐNVTD/VIC đã có nhiều buổi sinh hoạt (văn nghệ, triển lãm, biểu tình, tuần hành,...) vào những thời điểm cần thiết để thể hiện tinh thần hiệp thông, đồng hành với nạn nhân Formosa.

Tiếp theo, cô Nguyễn Phương Vỹ (Chủ Tịch CĐNVTD/VIC) bày tỏ sự đau lòng khi thấy trên bản đồ Việt Nam đã có vô số những khu đặc quyền dành riêng cho TC, Việt Nam bây giờ gần như đã là một tỉnh của TC. Cô Phượng Vỹ nghĩ rằng - thảm họa môi trường do Formosa gây nên có thể là một sự kiện tức nước vỡ bờ sẽ làm cho người dân quốc nội cùng nhau đứng lên để giành lại quyền làm chủ đất nước. Cuộc đấu tranh nào cũng có những sự mất mát, hy sinh, và người Việt hải ngoại nói chung, CĐNVTD/VIC nói riêng, trong vai trò quốc tế vận, luôn sẵn sàng hỗ trợ cho đồng bào trong nước đấu tranh đòi lại tự do, dân chủ và nhân quyền.

Mở đầu buổi văn nghệ là bản hợp ca "Có Nghe Chăng Người Dân Tôi Hát" (Nhạc ngoại quốc - Lời Đinh Hiếu) và kế tiếp là những ca khúc đấu tranh đầy hào khí qua các giọng ca Huỳnh Hiếu ("Việt Nam Tôi Đâu"), Anh Đào ("Biển Chết Non"), Quách Giang ("Con Đường Việt Nam"), Băng Châu ("Sáng Danh Lạc Hồng"), Quang Vũ ("Hãy Gấp Trang Báo Hãy Tắt Ti Vi"), Nghiêm Lệ ("Thiên Thần Trong Bóng Tối"), BS Hoàng Trang ("Bài Hát Trong Giấc Mơ") và Nha Sĩ Đinh Hiếu đã làm bừng lên ngọn lữa yêu nước trong lòng mọi người.

Đặc biệt là những ca khúc của Tuấn Khanh - "Hãy Gấp Trang Báo Hãy Tắt Ti Vi", "Bài Hát Trong Giấc Mơ", "Gánh Xiếc To Trên Quê Hương Nhỏ" với những lời ca tuy thật bình dị, mộc mạc nhưng đã phản ảnh được hiện tình đất nước và đã nói lên tâm tư, những trăn trở, khát khao của một người con dân xứ Việt. "Gánh Xiếc To Trên Quê Hương Nhỏ" là ca khúc không có trong chương trình nhưng vì ngưỡng mộ NS Tuấn Khanh, BS Hoàng Trang đã xin phép tác giả và đã dùng hết tài năng và nhiệt huyết ca bài hát này để nói lên nổi đau của quê hương, dân tộc.

Khi được mời lên nói chuyện, NS Tuấn Khanh, trước tiên đã giới thiệu sơ qua Đền Thờ Quốc Tổ (thờ những ai) cho những người đang theo dõi buổi văn nghệ qua livestream. NS Tuấn Khanh tỏ ra rất cảm động khi thấy đồng bào hải ngoại dù ở xa quê hương nhưng vẫn giữ được tinh thần của Người Việt - "không có một lý tưởng nào có thể tồn tại và điều khiển đất nước ngoài tinh thần ái quốc", "nếu chúng ta chọn đi với dân tộc, đi với đất nước thì chúng ta sẽ mãi mãi trường tồn". NS Tuấn Khanh không dám nhận mình là một nhà tranh đấu nhân quyền mà chỉ là một nghệ sĩ đã lỡ mang nặng một món nợ rất lớn - là người Việt Nam, mang dòng máu Việt Nam, có tiếng nói Việt Nam, cho nên hành động theo bản năng của một Người Việt Nam. NS Tuấn Khanh còn cho biết là đã nhận được một lá thư thúc dục Tuấn Khanh không nên tham gia buổi văn nghệ này vì đây là một Cộng Đồng cực đoan luôn chống phá các nghệ sĩ từ Việt Nam sang trình diễn. Qua lá thư ("trái chiều") đó, NS Tuấn Khanh cho rằng Việt Nam đã có quá nhiều sự chia rẽ trải dài trong lịch sử Việt Nam đã đưa đến cuộc chiến tranh Việt Nam, sự tương tàn về tư tưởng, về những giá trị của Người Việt,... đất nước chưa bao giờ có sự an bình. Đối với NS Tuấn Khanh, Đền Thờ Quốc Tổ hay những nơi thờ phượng tương tự là nền tảng giá trị của con người Việt Nam, thiếu đi cái nền tảng này thì chúng ta không còn là người Việt Nam và lúc đó thì tình đồng bào, sự gắng bó với nhau sẽ không còn nữa. NS Tuấn Khanh đã có cái cảm giác là dầu bất cứ nơi đâu người Việt hải ngoại cũng vẫn giữ được tình quê hương, và chủ nghĩa dân tộc luôn là chủ nghĩa cao quý nhất để gìn giữ đất nước và những con người Việt Nam đi cùng với nhau về tương lai. NS Tuấn Khanh kêu gọi sự đoàn kết để chúng ta có thể làm được những điều mà cha ông đã làm được, và đã nêu lên một câu nói của nhà triết học & cách mạng Thomas Paine - "Một người yêu nước là một người biết bảo vệ tổ quốc ngay trước chính quyền của mình" (The duty of a true patriot is to protect his country from its government - Thomas Paine).

Đáp lại sự ưu ái của đồng bào NS Tuấn Khanh đã cất tiếng ca với bài "Ngày tôi chưa biết" (của chính tác giả) như một tiếng thở dài, một tiếng khóc, như để nói lên sự ngỡ ngàng và nổi đau của một người vừa mới bước ra khỏi cuộc sống ảo để phải đối mặt với thực tại - "một thế gian lạ lùng"!

Để chấm dứt buổi văn nghệ, các anh chị em ca nhạc sĩ hợp ca bài "Nhân Quyền Việt Nam" (của BS Hoàng Trang & Nha Sĩ Đinh Hiếu), và hai ca khúc "Trả Lại Cho Dân", "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" với sự tham gia đầy hào khí của đồng bào, cùng đứng lên, trên tay dơ cao các biểu ngữ "FORMOSA HÃY TRẢ LẠI BIỂN SẠCH CHO VIỆT NAM", "CHÚNG TÔI ĐỒNG HÀNH CÙNG NẠN NHÂN FORMOSA".

pic


No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>