Friday, March 17, 2017

Kẽ hở của luật pháp VN trước nạn ấu dâm

pic

Pano tuyên truyền cho người dân rằng xâm hại tình dục trẻ em là tội ác.
Chân Như, rfa
Trong thời gian vừa qua, vấn nạn ấu dâm là tâm điểm cho sự quan tâm của cả đất nước Việt Nam, bởi nhiều vụ việc bị truyền thông và mạng xã hội phanh phui, cũng như nhiều người cho rằng mình đã từng bị xâm hại tình dục. Những câu chuyện này đã có từ hàng chục năm trước, nhưng nay xã hội mới thực sự để tâm, lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ.

Nguyên nhân

“Là một người mẹ tôi cảm thấy rất bức xúc khi đọc những tin như vậy. Tôi rất đau xót cho những trẻ rơi vào hoàn cảnh như vậy.”

“Đầu tiên trên địa vị một phụ huynh đang nuôi con nhỏ, tôi cảm thấy rất lo lắng trước thông tin các vụ xâm hại trẻ con gần đây được đưa ra. Tôi lo rằng sẽ còn rất nhiều vụ khác mà chúng ta chưa biết đến.”

Đó là cảm nhận của những người làm cha, mẹ khi truyền thông và mạng xã hội liên tiếp loan tải về các vụ việc ấu dâm bị phanh phui.

Pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành quy định các tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em gồm có: Tội hiếp dâm trẻ em; Tội cưỡng dâm trẻ em; Tội giao cấu với trẻ em và Tội dâm ô đối với trẻ em.

Theo luật sư Lê Văn Luân - người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân bị ấu dâm tại quận Hoàng Mai cho rằng, hệ thống luật pháp vẫn còn có nhiều kẽ hở:

“Chúng ta đang khó khăn ở hai vấn đề:

-  Một là do việc khung hình phạt thấp.

- Thứ hai, chúng ta đang áp dụng chưa chuẩn, chưa hiểu, chưa đúng đối với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Chúng ta trong thực tế luôn đòi hỏi chứng cứ về mặt vật chất để lại trên thân thể. Điều này không đúng với quy định của điều luật đó. Nếu chứng minh có việc tiếp xúc đó thì đã có thể truy tố.”

Chính những kẽ hở này đã khiến cho quá trình giải quyết các vụ án ấu dâm tại Việt Nam trở nên khó khăn và chậm trễ, số vụ được xử lý hình sự rất ít. Bên cạnh đó, nhận thức và trình độ, cũng như tinh thần trách nhiệm của các cơ quan hữu trách còn yếu kém.

Ở mức độ cao nhất, người tiến hành tố tụng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, tội ra quyết định trái pháp luật trong các vụ ấu dâm.

“Trong quá trình tiến hành tố tụng được giao chức trách mà các anh không thực hiện đúng chức trách của mình, mặc dù anh có trình độ, có nhận thức và hiểu biết pháp luật nhưng anh không làm đúng pháp luật. Ví dụ như hết thời hạn mà không được gia hạn, nhưng anh lại gia hạn tiếp, làm khó khăn cho quá trình điều tra, gây ra hậu quả lớn cho quá trình giải quyết tiếp theo. Thế thì có dấu hiệu xem lại hoạt động tư pháp và có thể chịu trách nhiệm hình sự.”

“Các cơ quan chức năng ở đâu?”

Trong các vụ việc ấu dâm gần đây, dưới sức ép của mạng xã hội và truyền thông, các quan chức cấp cao từ trung ương đã chỉ đạo các cơ quan hữu trách địa phương phải giải quyết vụ việc. Điều này khiến cho bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã chua chát nói rằng bà “mất niềm tin” vào hệ thống thực thi pháp luật “Các cơ quan chức năng ở đâu?”

Lời phát biểu này được nói tại buổi hội thảo về xâm hại tình dục trẻ em ở Hà Nội ngày 14/3/2017 vừa qua. Theo bà Lê Thị Hoàng Yến đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em, tại Việt Nam có hơn 15 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em. Điều này làm cho bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và cả cộng đồng phải thốt lên:

“Một đứa trẻ có 15 cơ quan bảo vệ, vậy mà tại sao khi con chúng ta bị xâm hại thì chúng ta không biết gọi đến đâu? Cá nhân tôi thấy điều này thật mỉa mai, chúng ta có lẽ không cần quá nhiều cơ quan như vậy. Chúng ta chỉ cần đến 1, 2 cơ quan nhưng thực sự làm.”

“Tôi cảm thấy là không chỉ riêng ấu dâm, mà trong tất cả vấn đề liên quan đến phụ nữ hay trẻ nhỏ thì những hội đoàn đó vô tác dụng. Họ không làm việc, không có một tiếng nói nào cho người dân, không thăm hỏi, không động viên, không bảo vệ. Nói chung họ không có vai trò gì hết, họ chỉ có cái tên và nhận lương. Vậy Thôi!”

Tại sao lại lên án nạn nhân?

Trong một thời gian dài, vấn nạn ấu dâm đã không được nói đến, bởi theo nhiều người đánh giá, đó là do nền văn hoá truyền thống, tư tưởng ảnh hưởng bởi Nho Giáo liên quan đến “trinh tiết của người con gái”, “Bởi vì văn hoá châu Á… xoay sang lên án nạn nhân.” Phó giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh - Giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội chia sẻ:

Nhiều khi vì quyền lợi con cái, một khái niệm rất kì cục nữa là danh dự gia đình, rất nhiều bố mẹ chấp nhận. Đây là nét văn hóa đầu tiên.

Nét văn hóa thứ hai cũng chính từ đặc điểm đó, dẫn đến việc dư luận thay vì lên án kẻ gây nên tội ác thì lại xoay sang lên án nạn nhân.

Nhưng xã hội đã thay đổi, nhiều người đã mạnh mẽ lên tiếng. Cô Kim Tiến và một số người khác đã tới Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để bày tỏ sự bất bình ngày 13.3.2017 vừa qua:

Tôi muốn tham gia góp phần tiếng nói của tôi để ngăn chặn tình trạng này tái diễn. Phải để yêu cầu cơ quan công an cũng như những cơ quan có trách nhiệm phải giải quyết cho người dân, thực thi đúng theo pháp luật.

Đã có nhiều tiếng nói, ý kiến đóng góp nhằm ngăn chặn vấn nạn ấu dâm được đưa ra, có hai vấn đề chính: hoàn thiện quy định pháp luật liên quan và thay đổi những suy nghĩ lạc hậu, cũ kỹ trong văn hoá, nhận thức về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Thứ hai là vai trò của gia đình, nhà trường và cộng động, các tổ chức xã hội phải có những hành động thiết thực để bảo vệ trẻ em trước mối nguy bị xâm hại.

Nhưng đầu tiên, đó là toàn xã hội phải lên tiếng, lên án mạnh mẽ hành vi ấu dâm, chứ không để mọi việc chìm xuồng rơi vào quên lãng bằng sự im lặng.

Việt Nam là quốc đầu tiên tại Châu Á và là nước thứ nhì trên thế giới, tham gia ký kết và phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc ngày 20 tháng 2 năm 1990.

No comments :

Post a Comment

 người việt hải ngoại

 Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

HINH
pic Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Mặc Lâm, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>